Có khi nào bạn cảm thấy chán nản với cuộc sống nơi thị thành đầy rẫy bộn bề lo toan? Mối lo cơm áo gạo tiền cứ thế cuốn bạn vào dòng xoáy cuộc đời đầy hối hả, đầy mệt mỏi và chán trường. Đã rất lâu rồi bạn chẳng cảm nhận được tiếng líu lo chim hót, chẳng cảm được bầu trời trong xanh, nắng vàng buổi sớm hay bầu trời thanh mát đầy sao đêm? Có lẽ rất rất lâu rồi phải không ạ? Vâng, không chỉ riêng bạn đâu, ad cũng vậy.
Đôi khi thèm lắm được bỏ đi đến một nơi xa, được đắm mình trong hương thơm lúa mới, được say với nắng với gió, được hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ. Được ngủ quên bên một sườn đồi đầy hoa lá, được đến nơi nào đó chẳng còn khói bụi thành phố, chẳng có đèn điện sáng trưng che mất ánh sáng dịu hiền của trăng sao.
Hay là bạn ơi, hãy cùng mình, cùng Không Sợ Lạc khám phá “vùng đất trong mơ” của các Phượt thủ, hãy đến đây để chiêm ngưỡng “mùa vàng”, mùa lúa chín dát vàng cả non cao trên những thửa ruộng bậc thang đẹp đến nao lòng. Và hãy đến đây để chìm đắm vào thiên nhiên hùng vĩ, non nước hữu tình, để ta được đắm mình trong bầu không khí của núi rừng trùng điệp, được lặng nghe tiếng róc rách reo vui của các con suối. Chắc chắn rằng nơi đây sẽ làm bạn quên đi những mệt mỏi, những lo toan chất chứa trong lòng. Vậy chúng ta còn chần chừ gì nữa, xách vali lên và đi thôi.
Du lịch Hoàng Su Phì Hà Giang vào mùa nào đẹp nhất?
Là huyện vùng cao, địa hình chia cắt mạnh nên Hoàng Su Phì có nhiều tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng và cảnh quan thiên nhiên khác nhau. Vì vậy khi đến du lịch Hoàng Su Phì, các bạn có thể tham khảo và lựa chọn các chuyến du lịch cho phù hợp.
Mùa xuân là thời điểm các lễ hội độc đáo của Hoàng Su Phì được tổ chức. Dịp này cũng là mùa chụp ảnh các vườn đào, lê, đồi chè. Khoảng từ giữa tháng 4 đến tháng 6 là mùa cấy lúa. Đến Hoàng Su Phì dịp này sẽ được chiêm ngưỡng thắng cảnh ruộng bậc thang Hoàng Su Phì trong mùa nước đổ.
Từ giữa tháng 9 hàng năm là bắt đầu vào mùa lúa chín các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung và ruộng bậc thang Hoàng Su Phì nói riêng. Tầm này đi Hoàng Su Phì là thích nhất, tha hồ chụp ảnh ruộng bậc thang trải dài ngút ngàn trên các sườn núi.
Cuối năm, khi bước sang mùa đông miền Bắc. Nếu không ngại cái lạnh, các bạn có thể lên Hoàng Su Phì khám phá Tây Côn Lĩnh, Chiêu Lầu Thi để săn mây, săn tuyết.
Phương tiện di chuyển
Hoàng Su Phì cách Hà Nội một quãng đường tương đối xa, khoảng 300km. Các di chuyển an toàn và thuận tiện nhất mà du khách nên lựa chọn là bắt xe khách tuyến Hà Nội – Hà Giang từ bến xe Mỹ Đình với giá khoảng 200.000đ. Sau đó, bạn thuê xe máy để tiếp tục di chuyển từ TP. Hà Giang đến Hoàng Su Phì.
Những ai muốn chủ động trong việc di chuyển hoàn toàn có thể du lịch Hà Giang bằng phương tiện cá nhân như ô tô hoặc xe máy riêng.
Cung đường mà các phượt thủ thường lựa chọn là từ trung tâm Hà Nội, qua cầu Thăng Long và cao tốc Thăng Long – Nội Bài để đến Vĩnh Yên. Sau đó, tiếp tục di chuyển sang Việt Trì – Đoan Hùng – Phú Thọ và qua Tuyên Quang để tới được Hà Giang.
Nếu tới Hoàng Su Phì bằng phương tiện cá nhân,các bạn cần mang theo đầy đủ giấy tờ tùy thân và chấp hành luật giao thông đường bộ một cách nghiêm chỉnh để bảo đảm an toàn khi di chuyển trên một cung đường dài.
Nhà nghỉ, Khách sạn ở Hoàng Su Phì Hà Giang
Là một huyện tương đối hẻo lánh nên Hoàng Su Phì chưa có nhiều khách sạn, nhà nghỉ tiện nghi. Do đó nhiều khách du lịch thường chọn phương án nghỉ tại các nhà nghỉ ở trung tâm thành phố Hà Giang. Tuy nhiên, nếu không đòi hỏi quá cao về chỗ nghỉ ngơi, các bạn có thể tham khảo một số nhà nghỉ tại thị trấn Vinh Quang như nhà nghỉ Thuận An, nhà nghỉ Sông Chảy, nhà nghỉ Hoàng Anh…
Địa điểm du lịch tại Hoàng Su Phì Hà Giang
Ruộng bậc thang Bản Phùng
Bản Phùng là một xã nằm gần biên giới với Trung Quốc. Từ trung tâm thị trấn Vinh Quang, các bạn phải men theo một con đèo nhỏ dài gần 30 km vắt ngang núi mới đến được trung tâm xã. Không có những thung lũng rộng như Cao Phạ hay Mường Hoa, ruộng bậc thang ở Bản Phùng nằm cheo leo trên những sườn núi dốc đứng. Cùng với Bản Luốc, đây là nơi có những thửa ruộng bậc thang cao nhất Việt Nam.
Ruộng bậc thang Hồ Thầu
Hồ Thầu là một xã của Hoàng Su Phì, cách ngã 3 xã Nậm Dịch khoảng 16km. Ruộng bậc thang ở Hồ Thầu của người dân tộc Dao đỏ. Người dân ở đây có có lệ, cứ mỗi khoảng ruộng chừa ra một khoảng rừng nhỏ vây quanh để giữ đất khỏi bị sạt lở. Việc khai ruộng được tiến hành từ trên cao xuống thấp với những công cụ lao động giản đơn như cuốc chim, bừa gỗ, xẻng, dao quắm. Ruộng bậc thang Hồ Thầu mênh mông, cao ngút tầm mắt với những ngọn đồi làm ruộng có độ rộng lớn, đều và ít dốc.
Ruộng bậc thang Thông Nguyên
Nằm ở tả ngạn, nơi hội tụ dòng chảy của 3 con suối lớn: Phìn Hồ đổ xuống, Nậm Ông chảy về và Nậm Khòa dội sang cùng đổ vào một chỗ tạo thành một bình nguyên ngay trên lưng chừng núi.
Nhiều người nhận xét rằng, Thông Nguyên là nơi “Quần Sơn – Tụ Thủy”. Thông Nguyên là một trong những địa điểm ngắm ruộng bậc thang tuyệt đẹp ở Hoàng Su Phì, đoạn đẹp nhất các bạn có thể dừng lại chụp ảnh là khoảng km24 đường từ Bắc Quang đi Hoàng Su Phì.
Ruộng bậc thang Bản Luốc – Sán Sả Hồ
Xã Bản Luốc và Sán Sả Hồ có địa hình là núi đất và độ dốc vừa phải nên nên nhiều ruộng bậc thang. Nơi đây, đâu đâu cũng có ruộng bậc thang theo hình lượn sóng và cánh cung. Ruộng bậc thang ở đây của người Dao áo dài và người Nùng.
Ruộng bậc thang Nậm Ty
Cùng nằm trên km 24 đường Bắc Quang đi Hoàng Su Phì, ruộng bậc thang Nậm Ty cũng của người Dao đỏ và là một trong các địa điểm được công nhận Di tích Quốc gia ruộng bậc thang của Hoàng Su Phì.
Hoa Tam giác mạch
Tam giác mạch là loài hoa đặc trưng của xứ đá tai mèo với vẻ đẹp miên man, hoang dại, hàng năm thu hút lượng lớn khách du lịch đến với Cao nguyên đá. Những năm gần đây, hoa tam giác mạch còn được trồng trên chính những thửa ruộng bậc thang tại 2 huyện phía Tây của tỉnh là Hoàng Su Phì và Xín Mần.
Lên Hoàng Su Phì vào thời điểm cuối thu, sau khi những thửa ruộng bậc thang được thu hoạch xong thì cũng là lúc màu vàng của lúa được thay thế bằng sắc màu say đắm của những bông hoa tam giác mạch.
Tây Côn Lĩnh
Tây Côn Lĩnh là một đỉnh núi trên khối núi thượng nguồn sông Chảy ở phía tây tỉnh Hà Giang, dãy núi Tây Côn Lĩnh trải dải trên hai huyện Hoàng Su Phì và Vị Xuyên, cách thị xã Hà Giang 46 km. Với độ cao 2419 m, đây là đỉnh cao nhất vùng Đông Bắc Việt Nam và là một trong những đỉnh núi cao nhất Việt Nam.
Trên đỉnh núi có mốc trắc địa. Dưới chân núi là rừng nguyên sinh á nhiệt đới còn được bảo tồn. Tây Côn Lĩnh được coi là dãy núi thiêng của người dân tộc La Chí.
Trong cộng đồng yêu phượt, việc chinh phục Tây Côn Lĩnh thường được hiểu là cung đường từ Thanh Thủy đi xuyên qua dãy núi này để sang Hoàng Su Phì, chinh phục một điểm cao ở trên đỉnh núi (Bốt Đen). Đây là một chặng đường vô cùng vất vả, gian nan và nguy hiểm.
Đỉnh núi Chiêu Lầu Thi
Chiêu Lầu Thi được gọi theo tiếng địa phương tức là Chín tầng thang, nằm cách trung tâm huyện lỵ Hoàng Su Phì 42km. Đây là một trong những núi cao thuộc dãy Tây Côn Lĩnh nằm trên địa bàn xã Hồ Thầu huyện Hoàng Su Phì và có vị trí giáp ranh 2 xã Ngán Chiên, Thu Tà của huyện Xín Mần, điểm cao nhất của ngọn núi có cao độ 2.402 m so với mực nước biển.
Đây là một trong những đỉnh núi cao nhất nhì vùng đông bắc nước ta. Khu vực cao nhất của đỉnh núi được kiến tạo bằng những khối đá khổng lồ nối tiếp nhau nên rất thuận tiện cho việc quan sát bởi tầm nhìn có thể tới hàng chục
km vào những ngày trời quang mây tạnh. Trong những ngày mưa, sương mù thường phủ kín những ngọn núi tạo nên vẻ đẹp của chốn bồng lai tiên cảnh.
Hiện nay, tại khu vực này còn giữ được hệ sinh thái rất đa dạng, tiêu biểu là thảm rừng nguyên sinh với hàng vạn cây cổ thụ các loại và các loại thảo dược vô cùng quý hiếm dưới tán rừng như: Tam thất nam, lan kim tuyến, giảo cổ lam, các loại hoa phong lan, thảo quả… ngoài ra, xung quanh đỉnh Chiêu Lầu Thi còn bảo tồn được hệ động vật phong phú.
Đặc biệt đây cũng là cái nôi của chè san tuyết cổ thụ nổi tiếng của huyện Hoàng Su Phì. Hàng năm vào những đợt rét đậm thường có tuyết rơi, có nơi tuyết phủ dày hàng chục cm phủ kín cả một vùng rộng lớn. Hiện nay, đỉnh núi Chiêu lầu Thi là một trong những điểm đến của nhóm các du khách ưa thích khám phá mạo hiểm.
Thôn Nậm Hồng, Thông Nguyên
Nằm cách trung tâm huyện Hoàng Su Phì khoảng 40 km, thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên là nơi sinh sống của 37 hộ đồng bào dân tộc Dao đỏ.
Nơi đây có những thửa ruộng bậc thang trải dài trên các sườn đồi đã được công nhận danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia, bên cạnh đó là vùng chè Shan tuyết cổ thụ Phìn Hồ cùng với những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Dao.
Chợ phiên Hoàng Su Phì Hà Giang
Nằm dưới chân đỉnh Tây Côn Lĩnh hùng vĩ, chợ phiên Hoàng Su Phì họp vào ngày Chủ nhật hàng tuần. Hàng hóa trao đổi là những vật phẩm trong sinh hoạt hàng ngày như rau quả, vải vóc, chỉ thêu, vật dụng làm nương rẫy…
Không sầm uất như chợ dưới xuôi, việc trao đổi mua bán ở đây diễn ra khá đơn giản để nhanh chóng nhường chỗ cho phần giao lưu tinh thần. Dăm ba quả trứng, vài chai mật ong, mấy trái su su… đổi lấy túi mì chính, quả pin, cái ô, ít chỉ khâu…
Chợ phiên vùng cao lại thấm đậm tình người, bởi đến chợ chỉ là cái cớ để trai gái được gặp nhau, được ngắm nhìn, được khoe những bộ váy áo đẹp nhất. Nhu cầu trao đổi hàng hóa thì ít mà mong muốn được vui chơi, hẹn hò, tâm tình thì nhiều. Người dân đi chợ nhưng náo nức như đi hội. Vì thế, có những chàng trai, cô gái chuẩn bị xuống chợ từ đêm hôm trước để kịp giờ họp chợ.
Trên quãng đường đến chợ, họ vẫn mặc quần áo bình thường, đến gần chợ thì thay ra. Phiên chợ là nơi trai gái gặp gỡ làm quen, người già thì gặp lại bạn cũ, vợ chồng đưa nhau đi mua hàng, con trẻ háo hức được mẹ mua cho chiếc cặp, cái nơ…, là nơi lòng người được sống lại những kỷ niệm một thời. Đến chợ phiên Hoàng Su Phì, du khách sẽ ngập trong sắc màu sặc sỡ của váy áo và trang sức đặc trưng của các chàng trai, cô gái người Dao, Nùng và người Cờ Lao.
Khu mộ cổ của dân tộc La Chí
Hiện nay, trên các sườn núi thuộc địa bàn xã Bản Phùng, Bản Máy huyện Hoàng Su Phì và xã Bản Díu huyện Xín Mần hiện vẫn tồn tại hàng trăm ngôi mộ cổ nằm rải rác theo một đường vòng cung trong một khu vực hàng ngàn km2 theo sườn núi với kích cỡ mỗi ngôi cao khoảng 1,5 mét, rộng từ 15 – 25 mét vuông, cá biệt có ngôi có chu vi hơn 70m, cao trên 6m, trải qua hàng trăm năm, những ngôi mộ này vẫn không hề bị mưa nắng mài mòn.
Tương truyền, đây là những ngôi mộ giả của Hoàng Vần Thùng (Tức Hoàng Văn Đồng) là một Thổ tù người địa phương trong thời Nguyễn. Ngoài việc trấn ải khu vực biên thùy, Hoàng Vần Thùng còn cho gia binh khai thác tài nguyên khoáng sản.
Đồng thời Ông còn giúp người dân ở khu vực này khai ấp lập làng dạy họ cách trồng ngô, lúa và giúp dân diệt trừ kẻ ác. Sau khi mất, ông được dân làng và con cháu chôn cất theo nhiều của cải tùy táng và đắp lên những ngôi mộ giả này nhằm tránh bị người đời sau đào trộm lấy châu báu, đồng thời lập miếu thờ tại đỉnh núi thôn Lủng Cẩu xã Bản Phùng của huyện Hoàng Su Phì.
Đồn Pố Lũng
Đồn Pố Lũng thị trấn Vinh Quang hay còn gọi là Bốt Pháp – theo cách gọi của người dân địa phương được người Pháp xây dựng từ những năm cuối thế kỷ XIX. Đây là quần thể kiến trúc quân sự gồm hầm hào, lô cốt, sân bay liên hoàn trên một ngọn đồi phía đông thị trấn Vinh Quang của huyện Hoàng Su Phì.
Để xây dựng quần thể kiến trúc quân sự này, thực dân Pháp đã bắt người dân địa phương dùng sức người vận chuyển vật liệu đá, cát sỏi, nước từ Sông Chảy ngược đoạn đường đèo dốc hơn 3km lên đỉnh núi và đào hàng chục km giao thông hào, địa đạo, san lấp mặt bằng, làm nhà cửa.
Trong quá trình xây dựng hàng trăm người đã bỏ mạng tại nơi này. Hiện nay, hệ thống lô cốt, hầm hào vẫn giữ gần như nguyên vẹn như một chứng tích chiến tranh và tội ác của thực dân Pháp. Ngoài ra, xung quanh khu vực đồn Pố Lũng đã được tán rừng thông đã phủ kín, tạo cảnh quan thiên nhiên rất hấp dẫn du khách khi đến tham quan.
Đền Suối Thầu
Theo bút tích được ghi trên nó ngôi đền cho thấy ngôi đền được xây dựng từ năm thứ 3 đời Minh Mạng (1793). Đền tọa lạc trên sườn một quả núi thuộc thôn Suối Thầu xã Bản Luốc, xung quanh có những thửa ruộng bậc thang bạt ngàn uốn lượn.
Người dân nơi đây coi đó là một chốn thiêng liêng là nơi thờ tự các vị thần vốn tồn tại trong dân gian như: Ngọc Hoàng, thần nông, thần rừng, thần đất,Thiên lôi, Bà mụ… với nhiều câu chuyện huyền bí được truyền lại qua nhiều đời. Ngôi đền cũng là nơi thờ tự thành hoàng Đặng Diễn. Ông là người có công khai rừng lập bản từ xa xưa và là quan sắc cai quản vùng đất này.
Vào ngày 1/7 âm lịch hàng năm, người dân ở đây tổ chức cúng lễ với mong muốn về một năm mùa màng tốt tươi, mưa nắng thuận hòa, người dân mạnh khỏe.
Đền Vinh Quang
Đền Vinh Quang nằm tại trung tâm thị trấn Vinh Quang huyện Hoàng Su Phì, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIX. Bên cạnh việc thờ một số vị thần thánh khác theo tín ngưỡng tâm linh của người dân địa phương thì đền Vinh Quang còn thờ Hoàng Văn Đăng là Chánh tổng của Hoàng Su Phì.
Theo sử sách ghi lại vào năm 1908, ông đã đứng lên khởi nghĩa chống Pháp, sau đó bị Pháp bắt. Trong tù, ông bị giặc Pháp tra tấn dã man đến chết. Để tưởng nhớ công ơn và khâm phục nghĩa khí của Hoàng Văn Đăng người dân thị trấn Vinh Quang đã lập bài vị thờ ông tại đền, coi ông là vị thần tối linh che chở cho nhân dân trong vùng.
Ăn gì ở Hoàng Su Phì Hà Giang
Cơm lam
Kỹ thuật chế biến cơm lam thật đơn giản, nguyên liệu là gạo nếp được đãi ngâm kỹ, nước nấu thường là những mạch nước ngầm trong cùng cho vào cho ống tre rồi bịt lá chuối. Người ta dùng loại cây non, thân ống, họ tre , mỗi dóng tre chặt bỏ một đầu ống, đầu ống còn lại tác dụng như cái đáy nồi.
Gạo nếp vo sạch, rắc thêm chút muối, trộn đều, cho gạo vào ống tre, lượng nước đổ xâm xấp so với mặt gạo. Miệng ống được nút bằng lá dong tươi hoặc lá chuối khô và nướng lên Ống tre có gạo ấy được hơ trên ngọn lửa hoặc trên đống than hồng, vừa hơ vừa xoay tròn từ từ cho nhiệt tác dụng đều lên xung quanh vỏ ống. Chừng trên dưới một tiếng sau (tuỳ theo ống cơm to hay bé), mùi cơm nếp toả ra thơm lừng, ấy là dấu hiệu cơm đã chín.
Cá chép ruộng bậc thang
Cá chép mang từ ruộng về thả vào thùng nước suối để tự sạch, sau đó đem rán giòn. Không chỉ là vùng đất của những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ, bồng bềnh trong mây, uốn lượn theo dáng núi làm bao du khách mải mê chiêm ngưỡng, mà đến Hoàng Su Phì vào mùa lúa chín du khách còn bị níu chân bằng món ẩm thực vô cùng thú vị, đậm chất quê: Cá chép ruộng bậc thang. Phần lớn diện tích lúa nước của Hoàng Su Phì đã được người dân tận dụng nuôi cá chép ruộng nhằm cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập.
Cốm nếp Hoàng Su Phì
Lúa nếp được chọn là loại chín vừa phải, hạt nếp quá non cốm sẽ mềm khó chế biến và tách vỏ, nếp quá già thì khi giã sẽ bị vụn. Người La Chí chọn lúc sáng sớm để hái những bông lúa đủ tiêu chuẩn. Công đoạn này thường mất khá nhiều thời gian, cũng giống người Thái ở Mường Lò (Yên Bái), người kinh ở Hà Nội… người La Chí ở Hoàng Su Phì làm cốm vào mùa thu khi tiết trời se lạnh, nguyên liệu là lúa nếp non, hạt chỉ vừa mới cứng.
Hạt nếp sau khi giã được sàng đãi vỏ xong là ăn được, gói lá chuối để giữ hương vị thơm ngon và lâu hơn. Cốm thường để được 3-4 ngày với tiết thu. Người La Chí thường sử dụng món này để đón khách quý hoặc trong những dịp đặc biệt của gia đình.
Thịt chuột
Chuột là món ăn thường ngày của người La Chí ở Hoàng Su Phì. Con chuột ngoài vai trò là vật hiến tế trong lễ cúng Thần Rắn của người La Chí ở Bản Phùng trong rừng cấm Me Meo, thì nó còn giữ vai trò cực kỳ quan trong trong đời sống thực tại cũng như đời sống tâm linh của người La Chí.
Trong bất cứ lễ cúng gì, từ cúng tổ tiên, cúng lúa mới, cúng xuống đồng, cúng hồn cây lúa, cúng rừng, cúng núi, cúng sông suối, hoặc lễ cúng bắt ma, lập bàn thờ, thậm chí cả lễ cưới, món thịt chuột đều là thứ không thể thiếu được.
Con chuột gắn bó với người La Chí từ hàng ngàn năm nay, nên không biết từ khi nào, chuột đã trở thành đặc sản. Nếu bạn lên Hoàng Su Phì, hỏi về các món đặc sản, ngoài thắng cố, rượu ngô của người Mông, lợn cắp nách của người Mán, thịt chua của người Nùng, thì chuột khô chính là đặc sản của người La Chí.
Thịt dê
Nhiều người khi nhắc tới thịt dê sẽ nghĩ ngay tới Ninh Bình, bởi thịt dê vốn là một đặc sản rất nổi tiếng của vùng đất cố đô. Tuy nhiên, nếu đến Hoàng Su Phì các bạn cũng có thể được thưởng thức món này nhé, dê ở Hoàng Su Phì được nuôi thả tự nhiên trên dãy núi Tây Côn Lĩnh, cùng với khí hậu mát mẻ nên thịt dê ở đây cũng rất thơm ngon.
Thắng cố
Hầu như chợ phiên vùng cao nào phía Bắc cũng có món này. Món ăn được chế biến chủ yêu từ nội tạng của bò hoặc ngựa.
Mới nhìn qua thì có vẻ chảo thắng cố không mấy hấp dẫn và lôi cuốn bởi đồng bào bầy biện không được đẹp mắt lắm nhưng khi các bạn nhấp đôi ba chén rượu ngô, ăn một tô thắng cố nóng nghi ngút khói giữa cái giá rét như cắt da cắt thịt, cảm nhận lòng mình như ấm lên nhiều.
Vị béo ngậy cộng chút bùi bùi độc đáo khác lạ, bát thắng cố dậy mùi thơm từ các loại gia vị đã sẽ để lại ấn tượng vô cùng đậm nét với những ai đã từng thử qua.
Thịt trâu gác bếp
Thịt gác bếp vốn là đặc sản của hầu hết các tỉnh vùng cao phía Bắc, từ Tây Bắc sang đến vùng Đông Bắc người dân đều thường xuyên chế biến món này. Thịt trâu được róc thành miếng, tẩm ướp gia vị rồi hun bằng khói của than củi đốt từ các loại cây mọc trên núi đá. Đây cũng là món nhắm rượu hàng đầu của người dân ở đây.
Rượu thóc Nàng Đôn
Rượu được sản xuất từ thóc và men lá theo phương pháp, ủ và chưng cất truyền thống của người Nùng tại xã Nàng Đôn, Hoàng Su Phì. Đây là một đặc sản làm quà mà các bạn có thể mua về khi du lịch Hoàng Su Phì.
Trà shan tuyết Fìn Hò
Cây chè shan tuyết tại Phìn Hồ sống cheo leo ở độ cao hàng nghìn mét trên dãy núi Pìn Hò có khí hậu quanh năm mát mẻ. Fìn Hồ trà được chế biến từ búp chè 1 tôm và 2 lá non hái ở những cây chè Shan tuyết cổ thụ trên 200 tuổi tại vùng núi cao thôn Fìn Hồ – xã Thông Nguyên, Hoàng Su Phì.
Quá trình canh tác và chế biến không sử dụng chất hóa học. Hương vị chè tại đây có vị thơm ngon, tinh khiết đặc biệt do thiên nhiên ban tặng bởi khí hậu thổ nhưỡng ở độ cao trên 1300m.
Mận đỏ Hoàng Su Phì
Mận Chiến Phố (Hoàng Su Phì – Hà Giang) vốn nổi tiếng bấy lâu về màu sắc, hương vị thơm ngon riêng biệt. Loài mận này thường chín vào đầu tháng 6 và chín rộ vào trung tuần tháng 6 đầu tháng 7. Khi chín, quả chuyển từ màu xanh sang sậm đỏ nên còn có tên gọi là mận máu.
Một vùng đất mà cảnh đẹp say đắm lòng người, ẩm thực đặc trưng vô vùng hấp dẫn như này thì Hoàng Su Phì Hà Giang có đủ sức hút đối với bạn chưa? Người ta đồn rằng mảnh đất vùng rẻo cao này đã đón và và tạm chia tay biết bao con người, có người trở về lần nữa, có người mang theo nỗi nhớ nhung về khung cảnh nơi đây để mãi bồi hồi xao xuyến. Vậy bạn còn chần chừ gì nữa? hãy nhanh chóng lên kế hoạch để khám phá ngay nhé.
Hy vọng với những thông tin chắt lọc trên đây Không Sợ Lạc đã giúp bạn mang thêm một chút hành trang vô cùng hữu ích cho chuyến đi du lịch Hoàng Su Phì của mình. Vậy hãy theo dõi và chia sẻ nhiều thật nhiều bạn nhé, để Không Sợ Lạc gợi ý nhiều hơn, đồng hành nhiều hơn với các chuyến đi trong những hành trình đi chẳng mỏi gối đầy thú vị của các bạn nhé!!!!
Discussion about this post