Mùa Đông lại sắp cận kề rồi, núi rừng Tây Bắc đặc biệt là Sa Pa sắp bao trùm bởi làn sương mù huyền ảo, cái lạnh tê tái da thịt và cả những cơn mưa tuyết trắng xoá núi đồi. Đối với người bản địa mùa Đông ở Sa Pa không chỉ có sự khắc nghiệt của thời tiết mà còn có sự náo nức khi Khách du lịch đổ về đây với số lượng rất đông. Người ta tới đây với ước muốn được chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên hùng vỹ, những cơn mưa tuyết trắng xoá núi rừng và cả những món ăn vô cùng đặc trưng hấp dẫn.
Và đến thời điểm này chắc chắn rằng các bạn mê phượt, mê du lịch khám phá đang khá là nóng lòng rồi, có người lại rần rần lên lịch trình, sắm áo quần các kiểu để chuẩn bị “xách vali lên và đi” rồi ấy chứ. Không Sợ Lạc cũng háo hức lắm rồi, sao có thể ngó lơ với “mùa Đông trên rẻo cao” tuyệt đẹp này được chứ!!! Mình lại đồng hành cùng nhau khám phá một Sa Pa đẹp tuyệt vời nhé.
Sa Pa là một huyện vùng cao Tây Bắc của tỉnh Lào Cai với địa danh vô cùng nổi tiếng là đỉnh núi Phan Xi Păng, nơi được coi là nóc nhà của Đông Dương. Nằm ở độ cao 1600m so với mực nước biển, Sa Pa có khí hậu mang sắc thái ôn đới và cận nhiệt đới, không khí mát mẻ quanh năm. Thời tiết ở thị trấn một ngày có đủ bốn mùa: buổi sáng là tiết trời mùa xuân, buổi trưa tiết trời như vào hạ, thường có nắng nhẹ, khí hậu dịu mát, buổi chiều mây và sương rơi xuống tạo cảm giác lành lạnh như trời thu và ban đêm là cái rét của mùa đông.
Du lịch sapa mùa nào đẹp nhất
Sapa mùa xuân – mùa hoa đào, hoa mận
Mùa xuân là mùa đẹp nhất ở Sapa (theo cảm nhận của riêng mình) đặc biệt là thời gian sau Tết. Lúc này thời tiết không còn quá lạnh giá như mùa đông. Cây cối đâm chồi nảy lộc, mầm xanh ở khắp nơi mang đến cho thị trấn một vẻ đẹp căng tràn nhựa sống.
Vào mùa xuân, Sapa bạt ngàn hoa sắc hoa. Hoa bên sườn đồi, lưng dốc. Hoa len lỏi trong những khóm tre ngà, bên hàng rào và hai đường vào bản. Nào là sắc trắng thanh khiết của hoa mận, hoa mơ; sắc hồng phớt của hoa đào, sắc vàng, sắc trắng của hoa cải…
Những cô bé người dân tộc lưng đeo gùi, quần áo sặc sỡ vui đùa trong thung lũng… Tất cả những hình ảnh ấy bạn sẽ chỉ thấy được khi du lịch Sapa vào mùa xuân. Vẻ đẹp rực rỡ của hoa, của người khiến đất trời như bừng tỉnh sau một giấc ngủ đông dài.
Lưu ý: Mình từng thấy khá nhiều người, đặc biệt là thợ ảnh tiếc nuối vì không “săn” được lúc hoa nở đẹp nhất. Vì vậy, trước khi lên Sapa ngắm hoa, các bạn theo dõi các bản tin thời tiết ở nơi đây để nắm được thời điểm hoa nở đẹp nhất. Bởi nhiệt độ ở Sapa phụ thuộc nhiều vào những đợt gió mùa đông Bắc từ Trung Quốc, do đó thời gian hoa nở cũng không giống nhau trong từng năm. Tốt nhất bạn nên đến vào khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 4.
Sapa mùa hè – mùa mận
Nếu như mùa hè ở dưới đồng bằng trời nắng chói chang, cháy da cháy thịt thì ở Sapa lại vô cùng mát mẻ và dễ chịu. Nhiều người còn ví thị trấn như một ngôi làng nào đó ở châu
Không còn hoa đào hoa mận, Sapa lúc này khoác lên mình chiếc áo xanh rì, tươi mát của rau quả và lúa non. Đây là thời điểm các loại rau bắt đầu được thu hoạch, lúa đang thì con gái. Bởi ở Sapa chỉ có một vụ lúa 6 tháng, thường bắt đầu từ đầu tháng 4 khi người dân gieo mạ, đến tháng 7 thì lúa sắp trổ đòng.
Bên cạnh đó, những cơn mưa mùa hè bất chợt không chỉ giúp không khí thêm trong lành, thoáng đãng mà còn góp phần tạo nên biển mây tuyệt đẹp. Ngoài ra, nếu du lịch Sapa vào mùa hè, bạn còn có cơ hội được nếm thử sản vật nổi tiếng như mận Hậu, mận Tả Lý, mận Tả Van, mận vàng, mận đỏ, mận Tam Hoa…
Sapa Tháng 10 mùa thu – mùa lúa chín
Vào khoảng đầu tháng 9 đến cuối tháng 10, khi lúa đã chín, Sapa dần chuyển mình sang sắc vàng rực rỡ. Mùa lúa chín Sapa mang một vẻ đẹp nhẹ nhàng, tinh tế khiến ai cũng phải nín lặng để thưởng thức. Những thửa ruộng bậc thang nối tiếp nhau như kéo dài vô tận. Màu vàng của lúa, màu xanh của rừng núi bao quanh và màu trắng của mây trời tạo mang đến cho a cảm giác bình yên đến lạ.
Để chiêm ngưỡng vẻ đẹp này, bạn có thể đến các bản Lao Chải Tả Van, bản Tả Phìn… Ngoài ra, nếu muốn ngắm nhìn Sapa ẩn hiện trong biển sương mờ, bạn cũng có thể leo lên đỉnh Hàm Rồng.
Sapa mùa đông – mùa băng tuyết
Nếu bạn là người mê mẩn phim Hàn Quốc, đặc biệt là những cảnh quay lãng mạn dưới tuyết, bạn nên đến Sapa vào mùa đông. Đây là một trong số ít nơi ở Việt Nam có thể có tuyết. Mình nói là có thể chứ không phải chắc chắn vì hiện tượng này không xảy ra quá thường xuyên.
Chỉ khi miền Bắc đón những đợt không khí lạnh thì những miền núi cao như Sapa, Mẫu Sơn, Đồng Văn… mới có băng tuyết. Còn bình thường, nhiệt độ ở đây sẽ ở mức trên dưới 10 độ C, trời rất rét. Trước khi lên Sapa “săn” tuyết, bạn cần theo dõi liên tục những bản tin thời tiết để cập nhật chính xác tình hình.
Phương tiện di chuyển
Cách Hà Nội khoảng gần 400km, cách thành phố Lào Cai khoảng gần 40km, để lên được thị trấn Sa Pa hiện chỉ có các phương tiện đường bộ. Lựa chọn được đa số khách du lịch sử dụng là thuê xe ô tô từ Lào Cai lên Sa Pa, với một nhóm nhỏ các bạn có sức khỏe thì lựa chọn phương án đi xe máy.
Đi từ Hà Nội tới Lào Cai
Từ Hà Nội đến Lào Cai khoảng 300km, bạn có thể lựa chọn ô tô giường nằm hoặc tàu hỏa. Trước kia, đa phần khách du lịch chọn đi tàu hỏa bởi lúc đó thời gian di chuyển bằng tàu hỏa và ô tô là như nhau, không gian trên tàu hỏa thoải mái và rộng rãi hơn.
Tuy nhiên, mọi thay đổi từ khi đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai hoàn thành, lượng khách đi tàu sụt giảm mạnh (nên giá vé tàu giường nằm giờ rẻ hơn trước khá nhiều – 400k ở thời điểm 2017), đa phần khách du lịch chọn đi ô tô vì thời gian rút ngắn lại chỉ còn một nửa (4 tiếng so với 8 tiếng) với trước kia.
Nói chung, nếu muốn một không gian thoải mái và an toàn hãy chọn đi tàu hỏa giường nằm. Nếu bạn muốn mang theo xe máy từ Hà Nội để tranh thủ lượn lờ những nơi khác ngoài Sa Pa hãy đi tàu hỏa. Nếu muốn đi nhanh hoặc nếu muốn có nhiều lựa chọn về thời gian cho các chuyến xe chạy vào ban ngày hãy lựa chọn đi ô tô giường nằm lên Lào Cai.
Từ Lào Cai lên Sa Pa
Từ Lào Cai lên Sa Pa khoảng 40km, đi mất khoảng 1h nếu không tắc đường. Từ Hà Nội các bạn có thể mua vé thẳng lên Sa Pa nếu đi bằng ô tô, một số nhà xe chạy thẳng lên Sa Pa, một số sẽ dừng tại Lào Cai và dùng những xe nhỏ hơn trung chuyển khách lên Sa Pa để đảm bảo an toàn (do đường Lào Cai – Sa Pa nhỏ hẹp, nhiều dốc và cua nguy hiểm).
Nếu mang theo xe máy lên Lào Cai rồi đi Sa Pa, các bạn đi theo QL4D để lên Sa Pa. Đường nhỏ và rất nhiều xe khách, xe container chạy (và thậm chí chạy với tốc độ cao) nên các bạn lái xe máy hết sức cẩn thận.
Nếu thấy các loại xe này từ xa, tốt nhất cứ đi thật chậm hoặc dừng sát lề đường, không nên cố gắng ganh đua sẽ gây nguy hiểm cho bản thân. Lên đến thị trấn Sa Pa, nhớ đi đúng tốc độ quy định, đến các đoạn rẽ (kể cả các đoạn cua cong) hãy cứ nhớ bật đèn xi nhan, không được bỏ mũ bảo hiểm, không đi ngược chiều…Luôn có một chốt CSGT đứng ở ngay đầu thị trấn Sa Pa, đoạn rẽ vào vòng hồ để bắt xe máy vi phạm.
Đi từ Lào Cai lên Sa Pa bằng xe buýt
Nếu đi tàu hỏa, bạn sẽ chỉ lên được đến ga Lào Cai, tiếp tục bạn sẽ cần di chuyển thêm một chặng nho nhỏ khoảng 40km nữa để có thể lên đến thị trấn Sa Pa. Với những bạn có điều kiện hoặc với những bạn đi đoàn đông thì thuê riêng một chuyến xe sẽ thuận tiện nhất.
Tuy nhiên, với những bạn đi lẻ một mình hoặc muốn tiết kiệm chi phí thì có thể lựa chọn đi bằng xe buýt. Ngay cửa ga Lào Cai, bên tay trái là bến đỗ của xe buýt, xe loại 29 chỗ và toàn bộ là ghế ngồi, xe buýt cũng chấp nhận việc các bạn mang hành lý cồng kềnh lên xe, vé xe đồng giá là 30k.
Xe buýt khởi hành từ quảng trường ga Lào Cai, kết thúc tại nhà thờ Sa Pa. Xe có từ rất sớm, ngay chuyến tàu hỏa sớm nhất đến ga là khoảng 5h30 thì cũng đã có xe sẵn sàng xuất bến chở khách. Tuyến xe buýt này thường dừng đón khách ở các bến trong Tp Sa Pa, đến chân đèo từ Lào Cai đi Sa Pa thì đủ khách rồi chạy thẳng.
Đặt phòng khách sạn ở Sa Pa
Có một điều mà các bạn chưa đi du lịch Sa Pa nên nhớ, giá phòng ở Sa Pa đặc biệt cao vào các dịp nghỉ lễ dài như 30-4 hay 2-9. Những dịp như này, giá một phòng đôi của một nhà nghỉ bình thường có thể lên tới >1000k, tức tương đương giá của một khách sạn 3-4 sao nhưng vẫn trong tình trạng kín phòng.
Đấy là bởi vì lượng khách du lịch đổ về Sa Pa những dịp này vô cùng lớn, các khách sạn nhà nghỉ uy tín ở Sa Pa đều đã được đặt trước rất lâu nên những nhà nghỉ kiểu này mới có cơ hội chặt chém.
Kinh nghiệm là các bạn nếu có kế hoạch đi du lịch vào những dịp đó, hãy đặt phòng trước từ 1-2 tháng, hãy đặt khách sạn online thông qua các mạng đặt phòng trực tuyến có uy tín như Agoda hoặc Booking, khi bạn đã thanh toán qua những mạng đặt phòng này, khách sạn sẽ luôn giữ phòng cho bạn.
Khách sạn ở Sa Pa
Ở Sa Pa hiện có hàng trăm khách sạn được đầu tư với chất lượng dịch vụ từ 1 sao tới 5 sao. Các khách sạn với vị trí càng đẹp thì giá thành càng cao với mức thấp nhất khoảng 1000k. Cùng Phượt có gợi ý danh sách một số khách sạn tốt ở Sa Pa, những khách sạn này có mức giá phòng tương đối phù hợp và chất lượng được đánh giá rất cao.
Nhà nghỉ ở Sa Pa
Ở Sa Pa, thực chất một số khách sạn nhỏ chỉ có chất lượng tương đương nhà nghỉ, tuy nhiên vẫn được gắn là khách sạn sẽ khiến nhiều du khách chưa từng đến Sa Pa gặp khó khăn trong việc lựa chọn. Những khách sạn/Nhà nghỉ này thường có giá phòng trong khoảng 200-300k cho ngày thường và tăng lên mức 500k-600k mỗi dịp cuối tuần.
Homestay ở Sa Pa
Loại hình du lịch – dịch vụ cộng đồng (homestay) lần đầu được triển khai ở Tả Van là vào năm 1997 bởi một người cựu chiến binh. Sau này, nhận thấy sự quan tâm từ du khách cùng với sự hỗ trợ và giúp đỡ từ các hướng dẫn viên du lịch, người đàn ông này đã bắt tay vào kinh doanh và cung cấp dịch vụ này cho khách.
Dần dần, mô hình được nhân rộng lên ở các bản du lịch của Sa Pa như hiện nay. Riêng bản Tả Van hiện có khoảng hơn 150 hộ dân sinh sống và có tới hơn 50 hộ đăng ký làm mô hình du lịch homestay.
Các địa điểm du lịch tại Sa Pa
Ruộng bậc thang Sapa
Đến Sa Pa mà không ngắm ruộng bậc thang thì quả là một thiếu sót. Ruộng bậc thang Sapa đã được trang web nổi tiếng Mother Nature bình chọn là một trong 30 điểm đến đẹp nhất thế giới.
Những ô ruộng xếp tầng tầng lớp lớp tựa như những nấc thang lên thiên đường. Nhờ bàn tay cần cù của những người đồng bào Dao, H’Mông, Hà Nhì
Du khách muốn chiêm ngưỡng những ô ruộng bậc thang kỳ vĩ này có thể ghé Tả Van – Hầu Thào – Lao Chải (huyện Sapa) thuộc thung lũng Mường Hoa. Hoặc du khách có thể tìm đến khu ruộng Vù Lùng Sung, xã Trung Chải…
Bản Cát Cát
Bản Cát Cát cách Sapa khoảng 3km. Đây là làng dân tộc người Mông được hình thành từ thế kỷ 19. Đường vào bản Cát Cát khá đẹp, du khách sẽ đi qua những đoạn đường cua uốn lượn, hai bên là những thửa ruộng bậc thang và những ngôi nhà ba gian lợp ván gỗ. Du khách có thể thư thả tản bộ và ngắm cảnh.
Xung quanh bản có thác Cát Cát, ruộng bậc thang và những cây cầu gỗ mộc mạc, đơn sơ. Vào bản, du khách có thể đi tham quan các làng nghề truyền thống của người dân trong bản, xem và mua các sản phẩm do chính tay họ làm ra.
Núi Hàm Rồng
Núi Hàm Rồng là một ngọn núi nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ với ý nghĩa “Hàm của rồng”. Hàm Rồng là một trong số ít các núi ở Việt Nam có yếu tố tượng hình rõ nét và đẹp.
Nằm sát thị trấn Sa Pa, cao gần 2000m, quanh núi Hàm Rồng có nhiều kiểu núi khác nhau; rừng kín thường xanh, với các loại cây lá rộng xanh quanh năm và các loại dây leo, bụi rậm chằng chịt, rừng hỗn hợp cây lá rộng, lá kim…
Vùng núi cao với đặc điểm là rừng thưa, ít rậm rạp, thỉnh thoảng có cây lá rộng xen kẽ. Cao hơn rừng kín thường xanh ẩm á nhiệt đới với đặc điểm rừng thưa, ít tầng hệ thực vật lá kim phát triển. Với độ cao của đỉnh núi thì hầu như không còn cây cối nhiều, chỉ có lác đác trúc núi (trúc lùn) và gió bụi thổi.
Cổng trời trên núi Hàm Rồng
Đường lên cổng trời ngó phía trước chỉ thấy trời xanh bao la, nhìn dưới chân toàn mây trăng giăng. Hết Cổng trời 1, dừng chân ở cổng trời 2 cao 1700m để được ngắm hình đầu rồng thật rõ.
Lần theo vách đá là đường lên cổng trời một và hai, bạn sẽ đứng trên mỏm đá ngất ngây trong cảm giác bay lượn mà thoả mắt nhìn xuống toàn cảnh thành phố trong sương.
Nơi đây trời đất gặp gỡ, kia là chàng mây không giấu giấc mộng với nàng đá, dưới ánh sáng mờ ảo lung linh. Tới đây không những được tận hưởng cảnh sắc của đất trời, mà còn thưởng thức không khí trong lành của khí trời Sa Pa.
Săn mây trên núi Hàm Rồng
Ở độ cao 1.800m, du khách phóng tầm mắt nhìn cảnh thung lũng SaPa huyền ảo thoắt ẩn thoắt hiện trong những cụm mây trắng bồng bềnh theo gió, đây là nơi để du khách có thể ghi lại những tấm ảnh đẹp toàn cảnh về Sa Pa.
Nhà thờ cổ Sapa – kiến trúc châu Âu trong phố núi
Được xây dựng vào năm 1895, nhà thờ Đá Sapa là dấu ấn kiến trúc cổ toàn vẹn nhất của người Pháp còn sót lại. Nhà thờ tọa lạc ở trung tâm thị trấn, phía sau là núi Hàm Rồng che chắn, phía trước là khu đất rộng – nơi diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc của phố núi.
Nhà thờ có diện tích khoảng 500m2, nằm trong một khuôn viên rộng 6000 m2 với nhiều khu khác như nhà thiên thần, nhà ở của thầy tu… Là công trình xây dựng của người Pháp nên nhà thờ cổ Sapa có hình thập giá theo kiến trúc Gotic La Mã với mái nhà, tháp chuông, vòm cuốn… đều là hình chóp, tạo nên nét bay bổng thanh thoát. Ngoài ra, toàn bộ nhà thờ đều được xây bằng đá đẽo (tường, nền nhà, tháp chuông, sân nhà thờ, bờ kè xung quanh) và liên kết với nhau bằng hỗn hợp vôi, cát và mật mía.
Lao Chải Tả Van
Bản Lao Chải – Tả Van cách trung tâm thị trấn Sapa khoảng 7km là nơi sinh sống của người dân tộc Giáy, Mông, Dao. Nếu đi từ trung tâm thị trấn Sapa, bạn đi dọc phố Cầu Mây rồi rẽ sang phố Mường Hoa.
Khác với thị trấn Sapa ồn ào, đông đúc, bản Tả Van nằm nép mình bên thung lũng Mường Hoa xinh đẹp. Đường vào bản là đường đất và khá hẹp, uốn lượn quanh các ngọn đồi nhấp nhô. Hai bên đường là những thửa ruộng bậc thang màu mỡ khoác lên mình màu xanh biếc và vàng óng của ngô và lúa non (vào mùa hè) và của lúa chín (vào mùa thu).
Đến thăm bản Tả Van khi du lịch Sapa, bạn không chỉ được khám phá thiên nhiên bình yên, tươi đẹp, trải nghiệm sắc màu văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây mà còn có cơ hội thưởng thức những bữa cơm bình dị mà ngon miệng.
Bản Tả Phìn
Nằm cách thị trấn Sapa khoảng 17km về phía Đông, bản Tả Phìn là vùng đất đẹp hoang sơ, đậm đà bản sắc dân tộc. Ngôi làng là nơi cư trú của đồng bào người Dao đỏ và người Mông. Giống như Tả Van, đường vào bản Tả Phìn men theo sườn núi quanh co, hai bên là những thửa ruộng bậc thang nối tầng xếp lớp.
Đối với mình, Tả Phìn không chỉ thu hút nhờ cảnh sắc thiên nhiên mà còn gây ấn tượng bởi sự hiếu khách của người dân ở đây. Họ đón chào du khách bằng nụ cười niềm nở và lời mời ghé xem các sản phẩm thổ cẩm của làng như khăn, túi xách, ví tiền… Trong trang phục đỏ rực rỡ, các cô gái Dao ngồi thêu khăn, áo rất khéo léo và sẵn sàng giới thiệu cho mọi người về quy trình dệt vải. Ngoài thổ cẩm, tắm lá thuốc của người Dao cũng là một dịch vụ rất hấp dẫn.
Sau khi tham quan khám phá văn hóa, nếp sống, bạn cũng có thể ghé thăm hang động Tả Phìn ở gần đó. Trong hang có nhiều nhũ đá với những kỳ thú như hình tiên múa, đoàn tiên ngồi, cánh đồng xa…
Khi đến bản Tả Phìn, bạn cần chú ý tới những phong tục của người dân như:
- Không được huýt sáo khi đi tham quan bản
- Vào nhà dân không được ngồi gian giữa
- Không úp bát xuống bàn khi ăn
- Không được vừa nói, vừa chỉ trỏ ngón tay ra phía trước…
Bãi đá cổ Sa Pa
Bãi đá cổ Sa Pa là khu di tích có diện tích khoảng 8 km² nằm tại thung lũng Mường Hoa, trên địa bàn ba xã Hầu Thào, Sử Pán và Tả Van huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Bãi đá cổ Sa Pa được nhà khảo cổ người Pháp gốc Nga Glubev của trường Viễn Đông Bác Cổ phát hiện vào năm 1925. Vé tham quan thác Tình yêu là 70k/người.
Bãi đá trải rộng 8 km² với gần 200 khối đá là một di chứng về sự xuất hiện của người tiền sử ở đây. Ở đây xuất hiện những hoa văn kỳ lạ trên đá với nhiều hình dạng: bậc thang, hình người, con đường, chữ viết v.v. có những rãnh tròn khá giống biểu tượng mặt trời, có hình nam nữ giao phối – biểu tượng sự sinh sôi, và rất nhiều những vạch kẻ lạ mắt. Năm 1925, giáo sư Pháp Victor Goloubev đã đưa ra những giả thuyết giải thích về các hoa văn này.
Các nhà khoa học giả thiết đó là hình bản đồ cổ của người Mông hoặc gần như là cuốn sách cổ giới thiệu về những trận đánh ngày xưa… Có rất nhiều cách giải mã khác nhau của các nhà khoa học khi đến nghiên cứu Bãi đá cổ Sa Pa. Tuy nhiên, tất cả những cách giải mã đó mới chỉ dừng lại ở giả thiết.
Gần đây người ta lại phát hiện thêm những bãi đá cổ tương tự ở xã Tả Phìn (Lào Cai) và Vị Xuyên (Hà Giang), cùng với những hoa văn và cách bài trí bí ẩn. Phillipe Le Failler dự định sẽ tiến hành dập lấy mẫu tiếp những bãi đá này. Và khi công việc hoàn thành, ông sẽ có trong tay hệ thống toàn bộ các mẫu hoa văn của các bãi đá cổ được phát hiện tại Việt Nam. Cùng với việc cập nhật dữ liệu thông tin và nghiên cứu trên máy tính, Phillipe tin rằng bí ẩn mà người xưa gửi gắm trên những viên đá này chắc chắn sẽ được giải mã trong tương lai không xa..
Bãi đá cổ Sa pa cũng là một trong những di sản thiên nhiên quý giá, không chỉ chuyển tải vẻ đẹp nguyên sơ của một vùng đất mà còn thu hút khách du lịch. Tháng 10 năm 1994 bãi đá cổ Sapa được Bộ văn hóa thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia và hiện nay đang được nhà nước đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
(trích từ : Wikipedia tiếng Việt)
Thung lũng Hoa Hồng Sapa
Đây là một khu du lịch sinh thái được đầu tư suốt 3 năm, được thiết kế cảnh quan sinh thái với gần triệu gốc hoa hồng, đào, mận, hồng giòn Hoa Kỳ, hạnh nhân Đài Loan… Cả khu có 11 nhà sàn gỗ Pơmu, lợp đá tự nhiên, nội thất trang trí hài hòa, nằm xen kẽ giữa những vườn hoa hồng Pháp tuyệt đẹp, các nhà sàn đều nhìn ra thung lũng Lao Chải với những thửa ruộng bậc thang, tất cả tạo nên một bức tranh đầy huyền ảo.
Theo đánh giá của nhiều nhà chuyên môn, khu du lịch ATI đủ điều kiện để đưa vào phục vụ khách. Đến Thung lũng hoa hồng từ tháng 3 đến tháng 11 trong năm, bạn sẽ được thưởng thức mùi hương ngây ngất của triệu triệu đóa hồng nở vào mỗi sáng. Còn vào mùa đông thì những vườn đào, vườn mận sẽ cho bạn cảm giác như đang đi du lịch ở Nhật Bản vào dịp Tết âm lịch.
Cổng trời Sapa (đỉnh đèo Ô Quy Hồ)
Du lịch Sapa, không khi nào mình không lên Cổng trời. Và mình nghĩ là nhiều người cũng vậy. Địa điểm nằm cách Sapa khoảng 17km về phía Bắc. Nơi đây từng có trạm khí tượng thủy văn – nguyên mẫu trong truyện ngắn Lặng lẽ Sapa của nhà văn Nguyễn Thành Long.
Đường lên Cổng trời quanh co, uốn lượn giữa lưng chừng núi. Con đường này chính là con đèo Ô Quy Hồ nổi tiếng – một trong “tứ đại đỉnh đèo” ở phía Bắc.
Lên đến Cổng trời, bạn sẽ được phóng tầm mắt tới những thung lũng rộng lớn cùng với ruộng nương xanh rì, nhìn thấy con đường xuôi ngược, ngắm được vẻ đẹp của Sapa ở phía xa, vẻ yên bình hiếm thấy của Thác Bạc, vẻ kiêu sa hùng vĩ của đỉnh Fansipan. Đặc biệt, nếu qua đây vào khoảng 5h chiều, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một khung cảnh hoàng hôn vô cùng lãng mạn.
Đồi chè Ô Long Sa Pa
Đồi chè siêu đẹp này có tên là Đồi chè Ô Long bởi chè ở đây trồng là giống chè Ô Long với những dãy chè nối tiếp nhau đều tăm tắp, tạo nên một khung cảnh vô cùng đẹp mắt. Không rực rỡ hay ngát hương như những vườn hoa nhưng đồi chè Ô Long ở Sapa vẫn toát lên vẻ đẹp mong manh, huyền ảo khó cưỡng. Trong tiết trời lạnh giá của Sapa, trong không gian khoáng đạt nhẹ nhàng, đồi chè xanh mướt giản dị, nhưng đầy sức hút như một cô gái xuân thì xinh đẹp nhu mì mang nét duyên ngầm của phố núi
Đỉnh Fansipan Sapa
Nhắc đến các điểm du lịch Sapa nổi tiếng, không thể không kể đến đỉnh Fansipan cao 3143m so với mực nước biển. Đây là điểm đến thú vị trong hành trình chinh phục Sapa của các bạn trẻ cũng như nhiều du khách nước ngoài.
Để leo Fansipan, bạn có thể đi theo Tour hoặc tự tổ chức một nhóm nhỏ ít người với sự dẫn đường của người dân địa phương. Với địa thế hiểm trở, Fansipan chính là thử thách khiến bạn tăng thêm lòng can đảm, sự tự tin, giúp bạn sẵn sàng chinh phục mọi thử thách phía trước.
Đi bộ: Chinh phục Fansipan theo đường bộ là thử thách được nhiều người nhà leo núi, người trẻ ưa khám phá, mạo hiểm lựa chọn. Bởi nếu đi bộ, bạn sẽ phải vượt qua nhiều km đường núi hiểm trở, khó khăn. Tuy nhiên, bù lại, bạn sẽ được ngắm nhìn hệ động thực vật và thiên nhiên kỳ thú dọc đường đi.
Phần thưởng này mình nghĩ là rất xứng đáng với những gì bạn bỏ ra. Để leo lên đỉnh núi trong thời gian ngắn nhất, bạn cần có một sức khỏe thật tốt, tinh thần vững vàng và một số kỹ năng nhất định.
Để đảm bảo an toàn, bạn nên đi theo tour của các công ty du lịch hoặc nếu tự tổ chức, bạn cần có một người dẫn đường là người dân bản địa.
Cáp treo: So với đi bộ, chiêm ngưỡng đỉnh Fansipan bằng cáp treo chỉ mất 15 phút. Kể từ khi đi vào hoạt động vào đầu năm 2016, tuyến cáp treo Fansipan Sapa đã giúp rất nhiều du khách khám phá nóc nhà cao nhất Đông Dương.
Đây cũng là tuyến cáp treo được Guinness chứng nhận 2 kỷ lục Guinness: Cáp treo ba dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới (1410m) và Cáp treo ba dây dài nhất thế giới (6292.5m). Giá vé đi cáp treo là 700k/người/khứ hồi đối với khách du lịch và 500k với người tỉnh Lao Cai.
Hiện nay, Fansipan đã trang bị hệ thống cáp treo, phục vụ trẻ em và những du khách không có đủ điều kiện về thời gian cũng như sức khỏe. Từ trên cáp treo, bạn có thể dễ dàng quan sát khung cảnh hùng vĩ tráng lệ dưới chân mình.
Ăn gì ở Sa Pa:
Thịt lợn cắp nách Sapa
Lợn cắp nách là loại lợn được nuôi thả rông từ lúc mới đẻ. Khi lợn được khoảng 10 – 15kg, người dân có thể dắt hoặc cắp lợn vào nách để đem ra chợ bán. Dưới bàn tay khéo léo của người đầu bếp, thịt lợn được chế biến thành nhiều món nướng, hấp, xào… món nào cũng ngon khó cưỡng. Chấm miếng thịt lợn dày thớ, ngọt tự nhiên, đậm vị với muối trộn ít ớt xanh lá nhội, hạt dổi, mắc khén… bạn sẽ không thể nào quên món ăn đặc biệt này.
Thắng cố Sapa
Ăn thắng cố vào bữa trưa, mùi vị đặc biệt k thể tả nổi ???, không chỉ có nội tạng mà có cả thịt ngựa nữa.
Thắng cố được nấu kèm với rất nhiều những loại thảo dược thường tại các buổi chợ phiên thì người ta nấu thắng cố trong một cái nồi lớn cho hàng chục người ăn, ninh nhừ trong vài giờ đồng hồ, khi ăn thì múc ra những tô nhỏ. Ăn thắng cố nhâm nhi cùng ly rượu ngô, rượu táo mèo chắc chắn sẽ mang lại cho du khách một trải nghiệm thú vị khó quên.
Lẩu cá hồi Sapa
Cá hồi Sapa có xuất xứ từ châu Âu, được nuôi tại chân thác Bạc. Nhờ khí hậu quanh năm mát mẻ thậm chí là có tuyết vào mùa đông nên chất lượng cá hồi Sapa không thua kém cá nhập khẩu. Thịt cá săn chắc, ngọt tự nhiên, không có mỡ và trông rất bắt mắt.
Cá hồi có thể được chế biến thành các món nướng, gỏi… rất ngon. Tuy nhiên, với tiết trời lành lạnh ở Sapa, thưởng thức lẩu cá hồi nóng hổi với măng chua, lá giang, bông bí..theo mình là tuyệt vời nhất.
Thịt Gừng Sapa
Thị gừng là món ăn truyền thống của người Nùng Dín. Nguyên liệu để làm món này xương sườn, xương sống và thủ lợn. Sau khi băm nhỏ xương, người ta sẽ bóp chúng cùng muối, một ít rượu ngô và gừng tươi giã nhỏ vắt nước. Phần thịt đã sơ chế được mang bỏ vào chum, đổ nước lên rồi đậy kín. Khi nào muốn ăn sẽ lấy ra nấu. Thịt gừng hấp hoặc thịt gừng kho sền sệt thơm ngon, đậm vị, ăn với cơm rất hợp. Nếu du lịch Sapa, bạn đừng quên thưởng thức món ăn hấp dẫn này nhé!
Thịt gác bếp Sapa
Đồng bào dân tộc miền núi thường có thói quen treo các loại thịt trâu, bò, lợn… lên gác bếp, nhằm dự trữ thực phẩm cho mùa mưa lũ hoặc cho những chuyến đi rừng dài ngày. Miếng thịt thăn được cắt dọc, thái to rồi đem ướp gia vị, xâu lại bằng lạt sau đó buộc lên gác bếp cho khô.
Thịt để được vài năm mà không hỏng. Khi nào ăn chỉ cần lấy xuống,cạo sạch lớp bồ hóng rồi đem chế biến… Thịt thơm, ngọt và bùi khiến bất cứ ai thưởng thức cũng khó lòng quên được.
Mầm đá
Nếu bạn đã từng đọc hoặc nghe kể về Trạng Quỳnh thì ắt hẳn cái tên mầm đá không còn xạ lạ. Mầm đá có vị hơi đắng giống ngồng cải bình thường nhưng lại thơm và ngọt hơn.
Để chế biến mầm đá, người ta chỉ cần luộc chín, thậm chí là chần qua nước sôi. Mầm đá luộc chấm với muối vừng hoặc nước mắm dầm trứng ăn rất ngon. Ở Sa Pa, mầm đá chỉ có từ khoảng tháng 11 đến tháng 3 âm lịch.
Một số đặc sản Sa Pa mua về làm quà
Là một thị trấn vùng cao, khí hậu mát mẻ nên ở Sa Pa có nhiều loại đặc sản ngon mà khi du lịch Sa Pa các bạn có thể mua về làm quà cho gia đình và bạn bè.
Lê tai nung Sa Pa
Lê tai nung có nguồn gốc từ Đài Loan, trong quá trình trồng tại một số nơi của tỉnh Lào Cai, cây Lê Tai nung tỏ ra phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương như huyện Bắc Hà, Sa Pa.
Lê Tai nung ra hoa muộn hơn đào và mận, nên có thể tránh được thời điểm rét đậm trong mùa đông, thời gian thu hoạch vào tháng 6, tháng 7 (sau mùa thu hoạch đào và mận). Loại lê này có vị ngọt mát vỏ mỏng nhiều nước.
Đào Sa Pa
Sa Pa vốn nổi tiếng là vùng trồng đào ăn quả nổi tiếng, giống đào ở đây chủ yếu là giống Pháp (giống đào ta gốc hầu như không còn do bị chặt mang về xuôi để chơi) được đưa về trồng tại địa phương. Đào Sa Pa quả nhỏ, ăn giòn và có vị chua.
Mận hậu Sa Pa
Những cây mận này được trồng trên 20 năm tại Ô Quy Hồ, là loài cây gắn bó với đời sống của người dân Sa Pa, trở thành loại quả đặc sản nhiều người muốn thưởng thức. Khác với loài quả khác, khi chín, mận hậu Sa Pa vẫn giữ màu xanh, nhưng căng mọng, ăn dóc hạt, ngọt ngon đầu lưỡi.
Cải mèo SaPa
Cây cải Mèo thuộc hàng rau có bẹ, lá dài màu xanh đậm, viền lá xoăn cảm giác như có gai, loại có lông, loại trơn. Rau cải Mèo loại nhỏ, lá có lông ăn ngon hơn. Trước đây, đồng bào chỉ quen trồng cải Mèo để ăn chứ không bán nên chẳng chú trọng gì. Thường thì người dân địa phương không trồng thành hàng, thành luống mà chỉ quãi hạt ra ven nương, đồi để mọc tự nhiên, cây cứ thế lớn lên, xanh tốt.
Rau cải Mèo của Sa Pa được người dân địa phương nấu bằng nhiều cách: xào, nấu, luộc hoặc dùng để ăn lẩu. Thông thường, chế biến một cách đơn giản nhất, chỉ cần thái nhỏ, đập gừng đổ nước vào đun sôi là có một bát canh mát, rất hợp cho thực khách uống rượu. Kỳ công hơn, rau có thể nấu cùng với thịt gà băm rối, không quên bỏ gia vị gừng, nêm vừa mắm, muối, người thưởng thức sẽ cảm nhận được một hương vị thật độc đáo. Chất ngọt của thịt gà quện với cái ngọt mát, ngăm ngăm đắng của rau cải làm cho người ăn cảm thấy không bị ngán.
Su su
Do được trồng ở độ cao 1.500 mét, với màu mỡ đất mùn núi cao, đồng thời biên độ chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn, khả năng tích lũy đường cao, nên đã tạo cho Su su Sa Pa có vị ngọt và độ giòn rất đặc trưng. Rau Su su trồng tại Sa Pa luôn phát triển tốt, cho năng suất cao, chất lượng tốt, ít phải dùng đến các loại thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng.
Có một đặc điểm khác biệt so với Su su trồng ở các địa phương khác, là rau Su su Sa Pa chỉ trồng một lần và thu hoạch nhiều năm. Vì vậy, có những gốc Su su ở Sa Pa có tuổi đời hàng chục năm. Sau mỗi một mùa thu hoạch từ tháng 4 – 11 hàng năm, người dân lại cắt bỏ các dây Su su ở trên mặt đất, đồng thời tiến hành bón phân chăm sóc cho phần gốc. Tuy nhiên, với những năm thời tiết rét đậm đầu năm kéo dài, lại có tuyết rơi nên mùa thu hoạch Su su ở Sa Pa sẽ muộn hơn so với những năm bình thường.
Nấm hương rừng
Sapa không chỉ là vùng đất nổi tiếng về phong cảnh thiên nhiên mà còn là nơi lưu giữ được nét văn hóa ẩm thực tinh tế và độc đáo. Vùng đất này được thiên nhiên ban tặng cho vô số các đặc sản của núi rừng vô cùng thơm ngon, trong đó không thể không kể đến nấm hương Sapa. Nấm hương Sapa về hình thức cũng giống như các loại nấm hương khác nhưng ăn sựt sựt đã miệng, mùi thơm tự nhiên thích hợp cho các món xào hoặc lẩu vẫn có mùi thơm của nấm mà không át đi các vị thơm của các thực phẩm đi kèm
Rượu táo mèo Sa Pa
Quả táo mèo hay người dân vùng cao còn gọi là quả sơn tra vốn từ lâu đã nổi tiếng với du khách Tây Bắc. Nếu nói đến táo mèo người ta sẽ nhớ nhiều đến Trạm Tấu hay Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, tuy nhiên, nếu nhắc tới rượu táo mèo thì có lẽ phải nghĩ ngay tới Sapa.
Để làm rượu chua chát, từng quả táo mèo được rửa sạch, trải qua những bước ngâm khác nhau tùy từng gia đình. Có nhà cẩn thận bổ đôi quả sơn tra, ngâm muối cho bớt nhựa quả, nhưng cũng có nhà lại để nguyên quả đảo qua đường cho nhựa ra nhiều rồi cho vào bình thủy tinh hoặc hũ ngâm rượu. Qua 6 đến 8 tháng rượu mới đạt đủ độ và cho ra một loại rượu thơm ngon, bổ dưỡng.
Lịch trình du lịch Sa Pa Tự Túc
Một vài lịch trình đi phượt Sa Pa và những địa điểm du lịch gần đó để các bạn tham khảo. Dựa trên những thông tin này, các bạn có thể điều chỉnh để có lịch trình phù hợp với cá nhân.
Lịch Trình Du Lịch Sa Pa 2 ngày 3 đêm
Ngày 1: Hà Nội – Lào Cai – Sa Pa
Nếu đi xe hoặc tàu đêm, sáng sớm các bạn có mặt ở Sa Pa. Nếu khách sạn cho phép nhận phòng thì nhận phòng sớm hoặc nếu không gửi đồ ở khách sạn để đi chơi. Chuẩn bị một số đồ ăn nhẹ rồi leo núi Hàm Rồng. Từ đây có thể ngắm toàn cảnh Thị trấn Sa Pa và nhìn lên đỉnh Fansipan.
Trưa xuống ăn trưa tại trung tâm thị trấn. Chiều thuê xe máy đi thăm thung lũng Mường Hoa, bãi dá cổ Sa Pa, Cầu Mây, bản Giàng Tả Chải, bản Tả Van. Tối dạo chơi chợ đêm Sa Pa và thưởng thức đặc sản đồ nướng
Ngày 2: Sa Pa – Ô Quý Hồ – Sa Pa – Lào Cai – Hà Nội
Sáng dậy sớm, thuê xe máy đi thăm Thác Bạc, Thác Tình Yêu. Đi xe máy lên đỉnh đèo Ô Quý Hồ, một trong Tứ Đại Đỉnh Đèo của dân phượt miền Bắc nối giữa 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu, có thể mang theo đồ ăn từ trước để nghỉ ăn ở bất kỳ điểm nào. Chiều tham quan bản Cát Cát, thác Cát Cát. Trả xe máy, tắm lá thuốc người Dao. Chiều muộn bắt xe về Hà Nội
Lịch Trình Du Lịch Sa Pa Sa Pa 3 ngày 4 đêm
Ngày 1: Hà Nội – Sa Pa – Hà Nội
Đi xe đêm hôm trước thì sáng sớm các bạn có mặt ở Sa Pa, gửi đồ tại khách sạn rồi hành trang gọn nhẹ đi bộ xuống bản Cát Cát, dọc đường xuống có rất nhiều quán cafe có view đẹp các bạn có thể ngồi. Heaven là một trong những quán đó.
Khi từ Cát Cát lên xong thì các bạn leo núi Hàm Rồng, trên núi có các vườn hoa rất đẹp, nhớ mua vé từ dưới chân núi. Trưa xuống nghỉ ngơi, ăn uống rồi về nhận phòng.
Chiều có thể đi Fansipang bằng cáp treo
Ngày 2: Sa Pa – Ô Quý Hồ – Sa Pa
Thuê xe máy đi thăm Thác Bạc, Thác Tình Yêu. Đi xe máy lên đỉnh đèo Ô Quý Hồ, một trong Tứ Đại Đỉnh Đèo của dân phượt miền Bắc nối giữa 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Ăn trưa trên đường. Chiều về đi thăm thung lũng Mường Hoa, Cầu Mây, bãi đá cổ Sa Pa, bản Tả Van, bản Giàng Tả Chải
Tối đi dạo quanh thị trấn
Ngày 3: Sa Pa – Lào Cai – Hà Nội
Thuê xe máy đi thăm bản Tả Phìn, tuyến du lịch cộng đồng được yêu thích. Thăm tu viện cổ Tả Phìn. Chiều về trả xe máy, tắm lá thuốc người Dao.
Tối lên xe trở về Hà Nội
Hà Nội – Bắc Hà – Sa Pa – Y Tý
Lịch trình này phù hợp vào khoảng tháng 9 là mùa lúa ở Y Tý, Sa Pa. Với lịch trình này các bạn cần mang theo xe máy từ Hà Nội, chạy 1 chiều và gửi tàu về 1 chiều.
Ngày 1: Hà Nội – Bắc Hà
Bắc Hà cách Hà Nội khoảng 300km, khởi hành từ Hà Nội theo QL 70 đến Bắc Ngầm thì để ý rẽ vào đường 153 đi Bắc Hà. Nên khởi hành từ Hà Nội khoảng sáng sớm để đến Bắc Hà không bị muộn quá. Ngày đầu nên đi vào thứ 7 để dạo chơi được chợ phiên Bắc Hà vào sáng chủ nhật.
Ngày 2: Bắc Hà – Sa Pa
Sáng dậy đi chợ phiên Bắc Hà, đi tham quan dinh Hoàng A Tưởng, đến một số khu vực có hoa mận, hoa đào, tam giác mạch… cái này tùy mùa.
Khoảng trưa khởi hành từ Bắc Hà đi tiếp về Lào Cai rồi lên Sa Pa. Tùy thuộc vào hành trình, các bạn có thể ở Sa Pa 1 hoặc 2 ngày. Tối ngủ Sa Pa
Ngày 3: Sa Pa – Mường Hum – Y Tý
Sáng dậy uống cafe ở Sa Pa rồi khởi hành từ Sa Pa đi theo hướng Ô Quy Hồ vào Mường Hum rồi từ đây vào Y Tý. Nếu ngày 3 này vào chủ nhật, các bạn có cơ hội dự chợ phiên Mường Hum.
Tối ngủ Y Tý
Ngày 4: Y Tý – Lũng Pô – Lào Cai – Hà Nội
Sáng ngày 4 từ Y Tý đi ngược lại theo hướng về Bát Xát, qua A Lù ngắm lúa. Trên đường về bạn có thể ghé vào mốc 92, Lũng Pô – nơi sông hồng đổ vào Việt Nam.
Nếu đi từ sáng sớm, đến khoảng chiều tối bạn có mặt ở Lào Cai. Gửi xe máy lên tàu Lào Cai, đi tàu đêm thì sáng hôm sau có mặt tại Hà Nội.
Hà Nội – Bắc Hà – Sa Pa – Mù Cang Chải – Hà Nội
Ngày 1: Hà Nội – Bắc Hà
Bắc Hà cách Hà Nội khoảng 300km, khởi hành từ Hà Nội theo QL 70 đến Bắc Ngầm thì để ý rẽ vào đường 153 đi Bắc Hà. Nên khởi hành từ Hà Nội khoảng sáng sớm để đến Bắc Hà không bị muộn quá. Ngày đầu nên đi vào thứ 7 để dạo chơi được chợ phiên Bắc Hà vào sáng chủ nhật.
Ngày 2: Bắc Hà – Sa Pa
Sáng dậy đi chợ phiên Bắc Hà, đi tham quan dinh Hoàng A Tưởng, đến một số khu vực có hoa mận, hoa đào, tam giác mạch… cái này tùy mùa. Tóm lại là buổi sáng này là thời gian để bạn khám phá Bắc Hà.
Khoảng trưa khởi hành từ Bắc Hà đi tiếp về Lào Cai rồi lên Sa Pa. Tùy thuộc vào hành trình, các bạn có thể ở Sa Pa 1 hoặc 2 ngày. Tối ngủ Sa Pa
Ngày 3: Sa Pa – Ô Quy Hồ – Mù Cang Chải
Sáng sớm dậy uống cafe ở Sa Pa rồi chạy theo đường đèo Ô Quy Hồ sang hướng Lai Châu. Đến ngã 3 Bình Lư thì rẽ về Than Uyên – Tân Uyên về Mù Cang Chải.
Tối ngủ Mù Cang Chải
Ngày 4: Mù Cang Chải – Khau Phạ – Tú Lệ – Hà Nội
Sáng khám phá Mù Cang Chải rồi đi ngược đường 32 về Hà Nội, trên đường về sẽ ngắm lúa dọc cung đường 32, ở Khau Phạ, Tú Lệ… Nếu thích các bạn có thể kéo dài thêm 1 ngày ở Mù Cang Chải để thoải mái ngắm lúa.
Một số lưu ý khi du lịch Sa Pa
Nếu đến Sa Pa lần đầu, có lẽ bạn sẽ rất ngạc nhiên bởi có rất nhiều những em bé nhỏ xíu thường đi bán hàng, ở bản Cát Cát ngoài bán hàng còn xin tiền. Bạn chú ý là thường nếu bạn muốn chụp ảnh với những bạn bé này, các em bé sẽ đề nghị mua một món hàng gì đó. Ở Cát Cát, các bạn tuyệt đối không cho tiền các bé, dù đôi khi các bé có thể bám theo bạn hàng cây số chỉ để xin 1-2k.
Một số vật dụng cá nhân cần thiết bạn nên mang theo khi đi du lịch Sa Pa : một chiếc áo gió và một khăn quàng cổ mỏng (bởi thời tiết Sa Pa dù có vào mùa hè cũng vẫn hơi se lạnh), mũ hoặc ô để che mưa nhỏ hoặc che sương, một chiếc đèn pin nhỏ để sử dụng buổi tối hoặc những khi vào hang. Các bạn có thể tham khảo bài viết mang gì khi đi phượt
Mang theo nhiều hơn 1 loại giấy tờ tùy thân (chứng minh thư, hộ chiếu hoặc mang thêm 1 bản photo công chứng) và bằng lái xe nếu bạn muốn thuê xe máy đi khám phá Sa Pa bởi bạn sẽ cần 1 bản đặt cho bên thuê xe, 1 bản đặt ở khách sạn.
Đặt phòng khách sạn online trước nếu có ý định đi vào mùa cao điểm, lợi thế của việc này là bạn có thể đặt trước trong một khoảng thời gian dài có thể là cả tháng, tránh việc sát ngày đi nhưng không thể đặt hoặc phải đặt phòng với giá cao.
Tương tự với việc đặt khách sạn bạn cũng nên đặt vé tàu hoặc vé xe khách đi Sa Pa sớm để tránh bị hết vé, đối với vé tàu nên mua ở ga Trần Quý Cáp hoặc mua thông qua các công ty du lịch, đối với vé xe khách thì nên đặt trước khoảng 1 ngày với ngày thường và 10 ngày với các dịp lễ.
Ở Sa Pa tình trạng chèo khéo khách du lịch mua đồ đã phần nào làm xấu đi hình ảnh của Sa Pa trong mắt du khách, nếu bạn không có ý định mua quà lưu niệm thì nên dứt khoát ngay từ lần đầu tiên, đừng xem rồi không mua bởi lúc đó người dân sẽ đeo bám rất lâu có thể gây cảm giác khó chịu. Khi vào bản không cho tiền trẻ em cho dù chúng nó lẽo đẽo theo bạn cả km.
Trên đây là tất cả những thông tin đáng tham khảo để các bạn có một chuyến du lịch Sa Pa thật tuyệt vời. Hãy tiếp tục theo dõi Không Sợ Lạc, chúng ta hãy cùng nhau đồng hành và khám phá hết vùng đất hình chữ S xin đẹp và đầy yêu thương này nhé.
Discussion about this post