Cùng không sợ lạc khám phá một tỉnh miền núi của Tây Nguyên, nơi đặc trưng vùng đất đỏ bazan, Ở đây có những con đường được bao phủ bằng cánh rừng cao su bạt ngàn, cứ độ cuối thu, cao su vào mùa thay lá mang nhiều màu sắc khác nhau đem đến một vẻ đẹp lãng mạn.
Gia Lai luôn ẩn chứa một nét quyến rũ khó chối từ nhờ vào sự hào phóng mà mẹ thiên nhiên ban tặng. Đến với vùng đất đại ngàn này, ta như lạc giữa một thế giới khác với những đồi thông cao vút cho đến các nương rẫy cà phê trắng muốt. Chưa bao giờ hành trình đến với xứ núi Pleiku lại đẹp đến như thế…
Những địa điểm du lịch Gia Lai – Kom Tum
Tiềm năng du lịch của Gia Lai rất phong phú, đa dạng với núi rùng cao có nhiều cảnh quan tự nhiên và nhân tạo. Rừng nguyên sinh nơi đây có hệ thống động thực vật phong phú, nhiều ghềnh thác, suối, hồ như Biển Hồ là một thắng cảnh nổi tiếng, ngoài ra có chùa Minh Thành (Gia Lai).
Nhiều đồi núi như cổng trời Mang Yang, đỉnh Hàm Rồng. Các cảnh quan nhân tạo có các rừng cao su, đồi chè, cà phê bạt ngàn. Kết hợp với tuyến đường rừng, có các tuyến dã ngoại bằng thuyền trên sông, cưỡi voi xuyên rừng,v.v…
Hầu hết các địa điểm đều cách thành phố Pleiku không quá xa nên xe máy sẽ là lựa chọn thích hợp nhất cho các bạn muốn vi vu trên những con đường đậm chất phố núi. Giá thuê xe máy nhìn chung không quá đắt, dao động từ 100.000 VND đến 120.000 VND / ngày (chưa bao gồm tiền xăng).
Khu Du Lịch Biển Hồ (hồ T’Nưng) Gia Lai
Đôi mắt Pleiku đã biết bao lần khiến lữ khách gió bụi phải bâng khuâng trước vẻ đẹp mộc mạc nơi đại ngàn.
Biển Hồ không chỉ là một hồ nước ngọt bình thường, mà nó còn mang trong mình một danh tính gắn liền với thành phố Pleiku.
Chúng ta như ngây dại trước mặt hồ phẳng lặng ấy, khẽ đắm mình vào sắc vàng của hoa dã quỳ những tháng cuối cùng của năm và từ từ chìm vào “đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy” từ lúc nào không rõ.
Biển Hồ Chè Gia Lai
Bạn sẽ làm gì khi đứng trước màu xanh tưởng chừng như vô tận của những luống chè trải dài trước một khung cảnh thơ mộng? Hãy đến Biển Hồ chè để tìm ra câu trả lời cho riêng bản thân mình.
Nằm cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 13 km về phía Bắc, khu vực này là một điểm nhấn cho thành phố, thu hút rất nhiều bạn trẻ đến thưởng ngoạn “sắc xanh” đến choáng ngợp.
Sự xuất hiện của chùa Bửu Minh giữa một không gian bao la chè sẽ là một phông nền hoàn hảo cho bạn thỏa sức sáng tạo hàng loạt kiểu ảnh đẹp và chất.
Ngoài ra, “con đường Hàn Quốc” với hai hàng thông trải dài chắc chắn sẽ để lại cho bạn một ấn tượng khó phai với vẻ đẹp xứ núi Gia Lai. Hãy cẩn thận khi tham quan để không làm hư hại vườn chè của nông dân các bạn nhé!
Núi lửa Chư Đăng Ya Gia Lai
Là một địa điểm khá mới và độc đáo ở Gia Lai, Chư Đăng Ya sẽ đem lại cho bạn hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, từ hành trình chinh phục đỉnh núi cho đến vẻ đẹp khó tin ở nơi đây.
Từ Biển Hồ chè, các bạn hướng về thôn Chư Đăng Ya khoảng 13 km nữa là đến chân núi, nơi có làng của người dân tộc sinh sống. Các bạn có thể hỏi người dân địa phương nếu không rõ vị trí chính xác.
Từ dưới chân núi, ta đã có thể chiêm ngưỡng những ruộng khoai thẳng hàng trước một không gian bao la choáng ngợp.
Leo khoảng 60 phút với một triền núi dốc đứng, những tưởng con người không thể chinh phục được mẹ thiên nhiên nhưng phần thưởng phía trước sẽ là động lực cho bạn vượt qua thử thách ấy.
Đứng trên đỉnh núi, hít đầy bầu không khí trong lành và lướt mắt nhìn quanh ngọn núi lửa đã ngủ yên tự bao giờ, ta chợt thấy lòng thanh thản hẳn, bỏ mặc những bộn bề ngoài kia mà hòa vào niềm vui giản dị nơi núi rừng.
Chư Đăng Ya sẽ mãi là nguồn cảm hứng cho bất cứ ai muốn sống trọn với thiên nhiên.
Thác Phú Cường Gia Lai
Dù cách khá xa thành phố Pleiku nhưng tên tuổi thác Phú Cường tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đã được khẳng định chỉ bằng vẻ đẹp hùng vĩ đến lạ thường.
Thẳng tiến trên con đường Quốc lộ 25, thả hồn theo những cơn gió vùng cao, Phú Cường lặng lẽ đón chúng tôi trước một quang cảnh tráng lệ.
Từ phía dưới, nước tung bọt trắng xóa, thả mình từ trên một độ cao không tưởng, tạo ra một cảnh tượng choáng ngợp đến lạ thường.
Không gian mát mẻ của những tán cây dưới chân thác là một điểm lý tưởng để tổ chức những buổi picnic, dã ngoại ngoài trời.
Từ tháng 9 đến tháng 1 là khoảng thời gian thác bước vào giai đoạn chuyển mình với sức chảy mạnh nhất.
Các bạn nên chú ý an toàn của bản thân khi bước đi trên những bậc đá dẫn ra thác nhé.
Chùa Minh Thành Gia Lai
Nằm cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 2 km, chùa Minh Thành tọa lạc ở số 348 đường Nguyễn Viết Xuân, phường Hội Phú.
Đặc biệt, không giống như những ngôi chùa khác mang đặc trưng của phật giáo Tiểu thừa, chùa Minh Thành chịu ảnh hưởng nhiều từ kiến trúc Trung Quốc và Nhật Bản.
Khi đến tham quan chùa, nhìn từ xa bạn đã thấy bảo tháp xá lợi cao 9 tầng, phía bên trong khuôn viên chùa là tượng Phật Di Đà nặng tới 40 tấn và cao 7,5m. Chánh điện chùa cao tới 16 m, được làm bằng gỗ pơ mu rất bền và chắc.
Bộ cửa làm bằng gỗ gõ với khung cửa dày 4 tấc với 6 cánh cửa dày 2 tấc, được chạm khắc 6 vị đại Bồ Tát trên hệ thống cửa.
Sân chùa được trang trí bằng những tiểu cảnh, hồ nước, cây xanh tạo nên vẻ đẹp hài hòa, tươi mát cho không gian trang nghiêm của chùa.
Trải qua những biến động của lịch sử, chùa Minh Thành đã trải qua nhiều đợt trùng tu và vẫn tiếp tục mở rộng cửa để đón thêm nhiều du khách đến tham quan.
Quảng trường Đại Đoàn Kết Gia Lai
Được mệnh danh là trái tim của Pleiku, Quảng trường Đại Đoàn Kết tọa lạc giữa trung tâm thành phố, gần quốc lộ 14 là một trong những công trình trọng điểm của thành phố Pleiku.
Quảng trường rộng 12 ha, nổi bật với bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tựa lưng vào Hàm Rồng – mô phỏng đỉnh cao nhất của cao nguyên Pleiku.
Phía sau tượng là bức phù điêu được tạc trên đá trắng, tái hiện khung cảnh và cuộc sống người dân Tây Nguyên.
Trước khu tượng đài là những bãi cỏ được xén ô vuông như quảng trường Ba Đình.
Thủy điện Yaly Gia Lai
Nằm giữa núi đồi Tây Nguyên hùng vĩ, nhà máy thủy điện Yaly nằm bên dòng sông Sê San, thuộc địa bàn xã Ialy, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai, là một hệ thống công trình hiện đại và đồ sộ, vừa lộ thiên vừa ẩn mình trong lòng núi.
Con đường từ quốc lộ 14 vào nhà máy được trải nhựa đen nhánh, phẳng lỳ, nằm giữa những khu dân cư đông đúc, những cánh rừng cao su xanh ngắt, những dãy biệt thự cổ kính, đẹp như tranh vẽ.
Hiện nay, nơi đây vẫn là điểm đến du lịch thú vị đến đây, bạn có dịp thăm nhà máy thủy điện, ghé bản làng dân tộc Gia Rai, đi thuyền ngược dòng sông Sê San ngắm cảnh núi và thưởng ngoạn không khí núi rừng Tây Nguyên.
Chư Sê Gia Lai
Huyện Chư Sê – tỉnh Gia Lai cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 40 km. Đường đi được bao phủ một màu xanh dịu dàng. Chúng tôi như lạc vào một miền cổ tích ngoài đời thực, yên bình và nhẹ nhàng.
Để tìm được đến đây, chúng tôi đã phải quay đi quay lại thị trấn Chư Sê rất nhiều lần để hỏi người dân, thậm chí phải đưa ảnh ra cho họ nhìn nhưng cũng không có kết quả vì thực chất ở đây chỗ nào cũng có rừng cao su cả.
Cuối cùng qua thông tin một người bạn đã đi trước đó thì chúng tôi tìm được lối rẽ cách thị trấn Chư Sê 3 km. Chạy men theo con đường nhỏ đó chúng tôi đến được địa điểm cần tìm – con đường trải dài hun hút với những cánh rừng cao su bạt ngàn.
Vì không phải địa điểm tham quan du lịch, không có hàng quán nào cả nên các bạn nhớ dự trù nước uống và đồ ăn nhẹ nhé. Từ trung tâm TP. Pleiku, các bạn có thể khởi hành vào sáng sớm và trở về khi gần trưa. Đường xá thì không phải là vấn đề vì hầu như là đường nhựa, chỉ cần cầm chắc tay lái và đi từ từ thôi.
Những con đường trải dài thẳng tắp cứ tiếp nối theo nhau. Nếu bạn bước vào những con đường không có lối rẽ này, tôi dám cá rằng các bạn sẽ không muốn bước ra đâu. Vì các bạn đang lạc vào một bức tranh tuyệt đẹp mà ngỡ như không phải ở Việt Nam vậy. Không giống tam giác mạch chỉ đẹp ở Hà Giang hay những cánh đồng lúa chín ở Tây Bắc, cả Tây Nguyên này bạt ngàn rừng cao su.
Con đường như một dải lụa dài mà các bạn khó có thể nhìn thấy đích cuối cùng là ở đâu, hãy thả tay ga thật chậm để có thể cảm nhận được vẻ đẹp nơi đây nhé. Có những lúc mấy đứa con gái chúng tôi run sợ, sợ nơi hoang vắng nhưng lại đẹp đẽ đến như thế… sợ mải lưu luyến nơi đây mà quên mất lối về.
Chư Păh Gia Lai
Cũng giống với Chư Sê, để đến được Chư Păh vô cùng khó khăn, nhất là với những bạn lần đầu đặt chân đến Gia Lai. Cái khó thứ nhất là tên địa danh, người ngoài Bắc đọc tên để hỏi đường thì người dân sẽ không hiểu. Cái khó thứ hai là ở đây hầu hết là rừng cao su và nếu bạn có hỏi rừng cao su Chư Păh ở đâu thì sẽ được chỉ ra một cánh rừng cao su ở gần đó mà thôi.
Chư Păh cách trung tâm Pleiku khoảng chừng 30 km hướng về phía Kon Tum. Tại đó, bạn sẽ thấy một lối nhỏ dẫn đi thủy điện Yaly. Các bạn men theo con đường này sẽ thấy rừng cao su. Chúng tôi mạnh dạn rẽ vào một trong vô vàn những con đường nhỏ ở đó.
Bạn nào ưa thích khám phá đây sẽ là một trong những địa điểm không tồi chút nào đâu. Các bạn sẽ bắt gặp những lối đi hun hút giữa cánh rừng như thế này, chỉ có những vệt sáng xa thẳm. Với một lưu ý nho nhỏ là vì ở đây rất rộng và rất đẹp nên các bạn cẩn thận vì quá mê mẩn cảnh vật ở đây mà bị lạc nhé.
Nếu bạn đến Pleiku vào lễ Giáng sinh, bạn sẽ được nghe những bản nhạc thánh ca mang âm hưởng của người con vùng đất đỏ sương mù. Vào dịp này những nhà thờ ở đây được trang hoàng lộng lẫy, không khí mừng Giáng sinh tấp nập.
Các bạn sẽ được hòa mình vào những buổi diễn văn nghệ hay cùng mọi người đến nhà thờ cầu nguyện. Và một điều không thể thiếu nữa là nhớ thưởng thức một cốc cà phê đặc sản của vùng đất Tây Nguyên nhé.
Cổng trời Mang Yang Gia Lai
Theo những cung đường uốn cong rồi thẳng dốc xen màu hoa Dã Quỳ vàng rực bạn sẽ đến với miền đất cao nguyên Gia Lai trù phú, bạc ngàn màu xanh của rừng cà phê, hồ tiêu. Có lẽ điều đáng chú ý là bạn sẽ có cảm giác được lên đến tận trời xanh khi đến với cổng trời Mang Yang – còn gọi là đèo Mang Yang vì sư quyến rũ sẽ tỏa ra từ khung cảnh như thiên đường ảo diệu.
Cho dù bạn đến Cổng trời Mang Yang vào mùa mưa hay mùa nắng, thì bạn cũng có cơ hội mở rộng góc nhìn, phải bất chợt thốt lên ngỡ ngàng vì cảnh quan nơi đây quá đẹp, cứ như đang lạc bước vào thiên đường phủ đầy lớp bụi nhuốm màu huyền ảo.
Từng ngọn cỏ tranh trắng dịu trên sườn núi như một tấm thảm nhung mềm quyến rũ trải dài trên các lớp đất đá khô cằn, xoay về phía bên phải là vách núi sừng sững, cao cao.
còn bên trái là vực núi sâu thăm thẳm cũng đã gây bao ấn tượng, đắm say trong lòng biết bao du khách. Hướng đằng xa về phía Bắc là những đồi thông xanh nõn của lá cỏ tràn đầy sức sống, thấp thoáng đâu đó là vài làng bản với mái nhà lợp cỏ tranh.
Khung cảnh với đồi núi, rừng thông, nương rẫy xanh ngút ngàn cùng với những giai điệu cồng chiêng trầm bổng đã tạo nên bức tranh thanh bình, yên ả như chính cuộc sống và con người nơi phố núi.
Núi Hàm Rồng – Chư H’Drông
Được ví như nóc nhà của phố núi Pleiku, Hàm Rồng xưa là núi lửa, triệu năm nay không hoạt động, núi trở thành mảnh đất tốt tươi cho các loại hoa màu và những rừng thông xanh ngát. Núi Hàm Rồng là miệng núi lửa nổi tiếng nhất Tây nguyên bởi nó cao hơn 1.000m so với mực nước biển, là đỉnh cao nhất khu vực Pleiku với cái miệng tròn xoe hình phễu khổng lồ.
Hàm Rồng mang đầy đủ những đặc tính tiêu biểu của một miệng núi lửa dương, nổi trên mặt đất – để so sánh với các miệng núi lửad âm lõm sâu dưới lòng đất, thường là các lòng hồ, như Biển Hồ.
Vào buổi sáng sớm, nếu có dịp đứng trên đỉnh Hàm Rồng, bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hiếm có nơi đây. Mây giăng ngang đầu, sương mù lẩn khuất dưới thung lũng tạo nên khung cảnh hữu tình.
Dọc đường đi là cánh rừng thông xanh mướt, nơi lý tưởng cho chuyến dã ngoại của các bạn trẻ. Hàm Rồng, tiếng địa phương là Chư H’Drông, gắn liền với truyền thuyết về thiên tình sử của nàng Chư H’Drông xinh đẹp, con của một vị tù trưởng hùng mạnh và Rơ Lan Ly, chàng trai thật thà, siêng năng, con của một gia đình nghèo khó.
Nếu nhìn từ dưới, ngọn núi tựa như một chiếc bát úp, nhưng leo tới đỉnh miệng núi lại mở ra một thung lũng lòng chảo rộng lớn với những thửa ruộng trồng bắp, khoai màu mỡ… Điều kỳ lạ là miệng núi không hề có nước, mà cũng chẳng ai đủ sức chở nước lên đây tưới được. Vậy mà quanh năm cây cối lúc nào cũng xanh tốt.
Hồ Ayun Hạ Gia Lai
Hồ Ayun Hạ là hồ nước nhân tạo, hình thành khi dòng sông Ayun được chặn lại vào đầu năm 1994, để khởi công xây dựng công trình thủy lợi Ayun Hạ, đập chính và cửa cấp nước của hồ nằm trên địa bàn xã Chưa A Thai – huyện Ayun Pa, cách thành phố Pleiku 70 km về phía Tây. Vùng ngập chính của hồ thuộc địa phận xã Hbông, huyện Chư Sê.
Đến với Ayun Hạ vào mùa nắng Tây Nguyên, từ tháng 11 đến tháng 4, mùa này, mặt nước hồ thật trong xanh, không khí mát mẻ bởi rừng cây vây quanh. Có những con thuyền máy bên đập dâng của lòng hồ sẵn sàng đưa bạn rong chơi tận hưởng thú du lịch sinh thái trên mặt hồ rộng giữa đôi bờ lồng lộng bóng cây rừng nguyên sinh.
Từ thành phố Pleiku, Gia Lai đi theo quốc lộ 14, đến ngã ba huyện Chư Sê, rẽ trái sang đường quốc lộ 25, tất cả chỉ 1 tiếng đồng hồ ngồi trên ô tô, bạn sẽ đến trung tâm huyện Ayun Pa với bình nguyên đồng lúa nước bao la.
Thác Xung Khoeng Gia Lai
Từ Pleiku đến đây khoảng 45km. Theo đường chỉ vào thác, mình dừng lại ở chính trên đỉnh thác. Hỏi người dân ở đây đường xuống thác thì được bảo: “Đó, có cái lối nhỏ đó, nhưng mà khó lắm đấy. Tại hồi lâu giờ đâu có ai xuống đó chơi nữa đâu.
Cái lối nhỏ dựng đứng đó đúng là khó nhằn thật. Đang loay hoay ko biết làm thế nào thì đột nhiên nhìn thấy con đường dẫn xuống thác từ phía đối diện, bên kia bờ. Vấn đề là giờ phải tìm được lối dẫn đến con đường đó ở bên làng bên kia. Lên xe và chạy ngược trở lại lối ra, định hướng và rẽ vào tất cả các lối ở phía đối diện chỗ cũ. Sau khi rẽ vào 2 lối đều dẫn đến đường cụt thì hỏi được 1 bác.
Bác này tốt bụng, ngay sau khi nghe hỏi liền trèo lên xe bảo: “Đi theo tui”. Cơ mà bác ấy lại dẫn vào đúng cái lối ban nãy mình vào mà không được. Bác ấy bảo tại nước nó ngập mất rồi. Lững thững đi ra, bác ấy bảo hướng dẫn chạy lên làng phía trên hỏi đường, ko quên cảnh báo: “cơ mà khó tìm lắm đấy, phải tìm được người dẫn đi cơ”. Tụi mình đã hơi ngán ngẩm, nhưng đã đâm lao thì theo lao.
Đi lòng vòng, qua bao nhiêu lối rẽ, hỏi bao nhiêu người mà không ai biết để chỉ, cuối cùng tình cờ thế nào mà rẽ vào 1 lối, rồi cứ đi, rồi nhìn thấy đúng con đường xuống thác mà ban nãy bên bờ kia đã thấy. Reo hò sung sướng, mình chạy phăm phăm xuống dưới, nhưng chợt hẫng hụt khi thấy không có lối nào đến chân thácmà ko phải lội ngược con suối này. Lại ngán ngẩm lần 2.
Cái rồi vứt đồ đấy, tiến lên thêm vài bước chân ven suối thì phát hiện 1 lối đi an toàn đến chânthác bị che lấp bởi mấy tảng đá to. Yeah, lại tìm được chỗ như cách xa thế giới cả nghìn dặm. Đứng dưới chân thác, xung quanh là vách đá, cây cối và dây leo um tùm, bên trên là khoảng trời trong veo mây xanh mây trắng. Hoàn toàn không có dấu vết của con người.
Rồi phát hiện ra cái thác ban nãy nhìn thấy chỉ là 1 phần của cái thác lớn. Mùa này ít nước nên thác cạn và bị tách làm 2 thác nhỏ ở 2 bên. Bọc máy ảnh và điện thoại cẩn thận rồi vứt ở dưới, mình chạy lên tảng đá gần thác, đứng cho hơi nước phun phù phù vào mặt trong tiếng nước đổ gầm gào. Có “partner in crime”, mình tự tin lội suối và tắm thác, để nước đổ massage cơ thể, rồi hò hét điên cuồng. Thứ cảm giác hoang dã không gì diễn tả được
Thác Chín Tầng Gia Lai
Từ thành phố Pleiku, đi thêm khoảng chừng 20km bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thác chín tầng, được lắng nghe những thanh âm dữ dội phát ra từ dòng thác mạnh mẽ này.
Sở dĩ thác có tên gọi độc đáo như vậy là bởi các vách đá gồ ghề trên dòng chảy của thác đã tạo thành 9 tầng nhấp nhô cao thấp khác nhau. Trong đó, hai tầng cuối với độ cao 10-15m đã hình thành nên dòng thác dựng đứng, cuộn xoáy biến cảnh tượng nên đây càng thêm phần hùng vĩ.
Nhìn từ bên hông, bạn có cảm giác thác như một cầu thang trải dài, phủ đầy nước. Còn khi nhìn từ trên cao, thác trông như một con rồng đang uốn mình chuẩn bị bay vút lên bầu trời.
Đây là một điểm dã ngoại cuối tuần lý tưởng và thú vị cho những đôi nam nữ, học sinh – sinh viên, khách du lịch trong và ngoài tỉnh muốn khám phá và tìm hiểu vẻ đẹp hoang sơ , kì vĩ của thác cũng như của núi rừng Tây Nguyên.
Hồ Đức An Gia Lai
Nằm trong công viên Diên Hồng, Hồ Đức An được biết đến như là một trong những thắng cảnh nổi tiếng đã được du khách trong ngoài và nước thường ghé thăm.
Công Viên Diên Hồng
Lần đầu tiên đến với Gia Lai và cũng là lần đầu đến công viên Diên Hồng, du khách không thể tránh được cảm giác ấn tượng bởi màu sắc bởi Tây Nguyên đều được tập hợp về đây: từ nét văn hóa đời sống của bà con dân tộc, nhà Rông, cồng chiêng… đến vẻ đẹp núi rừng hoa cỏ.
Từ ngoài cổng vào, du khách sẽ bị choáng ngợp bởi hồ nước xanh thăm thẳm với rất nhiều cây xung quanh bờ. Đi bộ khoảng 300m, đến khu vực chính của công viên – Làng Du lịch Hồ Diên Hồng.
Đây là nơi dừng chân khá lý tưởng cho du khách đến tham quan, công tác và là điểm hẹn khá ấn tượng cho những người trẻ muốn gặp gỡ, hàn huyên chuyện trò.
Ngay bên trái lối đi là khu đón tiếp khách, nhà nghỉ. Đi bộ về phía tay phải, ven theo hồ là khu vực ăn uống, cà phê giải khát trên nhà thuyền. Đã đến đây bạn đừng quên thưởng thức tách cà phê Tây Nguyên thơm ngon, đậm đà. Nếu không thích lên nhà thuyền thì bạn vẫn có thể ngồi bên lối đi, ngắm mặt hồ xanh biếc và nghe tiếng chim chóc hòa ca.
Nhà bungalow được bố trí xung quanh hồ là địa điểm tuyệt vời cho những chốn nghỉ. Bungalow là kiểu nhà truyền thống của Ấn Độ với hình dáng nhỏ nhắn, riêng biệt, nhưng bên trong lại đầy đủ tiện nghi.
Đồi cỏ hồng Đăk Đoa Gia Lai
Gia Lai không chỉ có cà phê, cơm lam, hay phở khô đâu nhé. “Đặc sản” cỏ hồng được người dân và các bạn trẻ yêu thích đến nỗi UBND huyện Đak Đoa đã tổ chức tuần lễ “Đồi cỏ hồng Đak Đoa” nhằm thu hút khách du lịch đến với tỉnh nhà
Du khách đến đây ngoài việc… thưởng cỏ và chụp ảnh, còn sẽ được chơi các trò chơi dân gian và thưởng thức các món ăn địa phương. Tuần lễ cỏ hồng sẽ kéo dài trong 5 ngày, từ 25 – 30/11/ hàng năm.
Cỏ hồng là một loại cỏ dài, được nhiều người biết đến với tên gọi khác là cỏ đuôi chồn. Vào mỗi dịp đầu đông, thời tiết trở lạnh, những bông hoa cỏ sẽ đổi sang một màu hồng tím vô cùng hút mắt. Những cánh đồng cỏ trải dài càng tạo nên một khung cảnh nên thơ, mơ mộng.
Có 3 địa điểm ngắm cỏ hồng đẹp nhất ở Gia Lai: một là thung lũng cỏ hồng ở xã Glar, huyện Đak Đoa, cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 20km; địa điểm thứ hai là ở Núi Đá, thành phố Pleiku; và địa điểm thứ ba là hai bên rừng thông trên đường đi cửa khẩu Lệ Thanh, huyện Đức Cơ.
Đây là toàn bộ những địa điểm du lịch Gia Lai mà khongsolac.com tổng hợp và chia sẻ tới các bạn. Hy vọng các bạn sẽ có những điểm đến mới, những trải nghiệm mới cho chuyến đi của mình nhé.
Discussion about this post